Ngày 30/1, Báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường. Đây được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất, có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Một số ứng dụng phổ biến nhất của LNG trong đời sống, sản xuất là làm nhiên liệu thay thế cho than đá trong buồng đốt tại nhiều nhà máy nhiệt điện; hệ thống sưởi ấm, hệ thống sấy khô trong các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm; thay thế cho xăng, dầu diesel; trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ…
Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam cho biết, phát triển điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII hiện có 3 khó khăn và thách thức lớn nhất. Đầu tiên là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khí điện LNG và tiêu thụ điện LNG.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của PVN/EVN còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án. Đồng thời, cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp như hiện tại sẽ làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các nhà đầu tư và đối tác trong chuỗi dự án.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tào Khánh Hưng, Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng khẳng định, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, là thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu.
Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Trước những khó khăn trên, Chính phủ đã chủ động, tích cực tham gia vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu này tại hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.
Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.