Những thách thức về thể chế, kiểm soát dòng vốn các dự án FDI khi tham gia RCEP

Khi tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ngoài những thách thức về thương mại như đã phân tích ở bài: RCEP và những thách thức đặt ra với Việt Nam trong thương mại, Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề về đầu tư.

Cần sàng lọc kỹ chất lượng dự án FDI

Trong thời gian qua, không ít dự án từ một số nước ở khu vực RCEP có gây ra lo ngại về chất lượng đầu tư, chẳng hạn như về phương diện môi trường, xã hội, v.v. Cùng với đà phát triển kinh tế, Trung Quốc cũng có những bước đi trong việc cải thiện các quy định, tiêu chuẩn về môi trường. Điều này dẫn đến việc các nhà máy công nghệ thấp hơn, ít thân thiện với môi trường hơn có xu hướng dịch chuyển dần sang các nước xung quanh, và không loại trừ những cân nhắc chuyển sang Việt Nam.

Rủi ro này còn lớn hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khi mà những dự án, nhà máy ấy thiên về cạnh tranh về giá và chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biện pháp thuế quan bổ sung của phía Mỹ. Những lo ngại này là không mới, nhưng xử lý lại không dễ. Một mặt, các cam kết quốc tế hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc phân biệt đối xử với nhà đầu tư. Mặt khác, nếu chỉ phân biệt, từ chối nhà đầu tư nước ngoài chỉ vì lo ngại quốc tịch của nhà đầu tư thì có thể dẫn tới mất các cơ hội đầu tư - kinh doanh thực sự có ý nghĩa đối với Việt Nam.

Cần sàng lọc kỹ chất lượng dự án FDI của các nước trong RCEP
Cần sàng lọc kỹ chất lượng dự án FDI của các nước trong RCEP

Ở chiều ngược lại, việc lựa chọn một nhà đầu tư chỉ vì họ xuất phát từ một nước phát triển cũng có thể không giúp ích cho Việt Nam, nếu nhà đầu tư ấy không đáp ứng hoặc tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn của Việt Nam về môi trường, xã hội, trách nhiệm ngân sách, v.v. Nên nhớ rằng, việc xác định quốc gia xuất xứ thực sự của dự án đầu tư nước ngoài tại nước sở tại là một vấn đề không đơn giản.

Kiểm soát dòng vốn: Thách thức không nhỏ!

Đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng: Cơ hội từ gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các nước RCEP có thể sẽ giảm bớt ý nghĩa nếu tác động đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam không được xử lý một cách thích đáng.

Các mô hình đánh giá định lượng tác động của các FTA nói chung và RCEP nói riêng hiện đều không lượng hóa được tác động đối với dòng vốn FDI. Nếu không được sàng lọc hợp lý, một số dự án FDI có thể gây một số tác động bất lợi về vĩ mô như: Gia tăng nhập khẩu hàng hóa và nhập siêu, thay vì kết nối với doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực sản xuất trong nước; Dòng vốn FDI có thể vượt quá năng lực hấp thụ của Việt Nam, xét cả về các phương diện vĩ mô, hạ tầng, nguồn nhân lực.

Những rủi ro này khó có thể được loại trừ, khi mà các nhà đầu tư lớn từ RCEP đều có mạng lưới nhà cung ứng riêng và không bị ràng buộc phải mua từ doanh nghiệp trong nước, và các đối tác RCEP chiếm tỷ trọng lớn trong vốn FDI đăng ký của Việt Nam.

Quay trở lại hơn 10 năm trước chúng ta có thể thấy rõ, bất ổn kinh tế vĩ mô giai đoạn 2008-2009 xuất phát một phần từ việc ứng phó thiếu hiệu quả đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức về đầu tư khi tham gia RCEP
Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức về đầu tư khi tham gia RCEP

Thách thức về thể chế!

Trao đổi với Phóng viên Thuonggiaonline.vn, các chuyên gia đều có chung nhận định về vấn đề cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam cũng là một thách thức thể chế không nhỏ. Việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, tiềm lực tài chính và công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng là định hướng phù hợp. Tuy nhiên, việc hạn chế sự cạnh tranh quá mức giữa các địa phương, theo hướng ưu đãi trong thu hút FDI, vẫn là một yêu cầu cần thiết.

Trên thực tế, cuộc đua như vậy đã từng xảy ra trước và ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, và chẳng những không giúp cho các địa phương mà còn để lại gánh nặng tài khóa. Tuy nhiên, những ưu đãi kiểu mới cho các dự án đầu tư nước ngoài không chỉ được giới hạn ở các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai, mà có thể còn bao gồm cả việc tương đối “dễ dãi” hơn trong các yêu cầu liên quan, chẳng hạn như báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ở một phương diện khác, chính sách thuế đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nền tảng số, v.v. có thể cũng là một vấn đề khó cân bằng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước phát triển đang có những động thái mạnh mẽ hơn để buộc các tập đoàn công nghệ lớn nộp thuế. Đồng thời, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp và khu kinh tế, thực hiện giám sát và chế tài của các cơ quan quản lý để vừa bảo đảm dự án được triển khai kịp thời, hiệu quả vừa tránh gây phiền hà cho đầu tư cũng không phải là một yêu cầu đơn giản.

Để không rơi vào thế khó, các chuyên gia đều khuyến nghị chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế về đầu tư. Cụ thể, hoàn thiện các quy định về thu hút và sử dụng FDI; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, rà soát, điều chỉnh các chính sách đang cản trở việc thu hút và sử dụng FDI; Điều chỉnh chính sách phát triển công nghiệp theo hướng tạo ra chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng nội địa và tăng cường năng lực quản lý FDI và cải cách phân cấp đầu tư, tăng cường giám sát và xử lý các vấn đề sau cấp chứng nhận đầu tư.

Có thể bạn quan tâm