Nỗi khổ cư dân HHB KĐT Tân Tây Đô: Bài 2: Ai đã "đánh cắp" gần 13.000 m2 diện tích sử dụng chung?

Hợp đồng mua bán ghi rõ diện tích đất sử dụng chung là 16.072m2 (khoản 2, Điều 2 HĐMB), nhưng đa phần cư dân tòa HHB, KĐT Tân Tây Đô của chủ đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát chỉ ghi nhận 3.307,4
Nỗi khổ cư dân HHB KĐT Tân Tây Đô: Bài 2: Ai đã "đánh cắp" gần 13.000 m2 diện tích sử dụng chung?

Đã có rất nhiều vấn đề bức xúc của cư dân tòa HHB với chủ đầu tư và chính quyền nhưng hiện nay vấn đề nóng nhất của cư dân tại đây là diện tích đất sử dụng chung của người mua nhà được ghi nhận trên giấy tờ (sổ hồng) đã bị Chủ đầu tư “phù phép” làm hao hụt hàng nghìn m2 so với hợp đồng mà cư dân ký kết với chủ đầu tư.

Gần 13.000 m2 đã bị biến mất như thế nào?

Theo hợp đồng của khách hàng ký kết với chủ đầu tư Hải Phát, ngoài diện tích sử dụng riêng thì diện tích đất sử dụng chung là 16.072m2, và đây cũng là phần diện tích sử dụng chung của một nửa KĐT Tân Tây Đô đã được Công ty Hải Phát mua lại của Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh, bao gồm cả 3 tòa CT2A, CT2B và HHB.

Trên giấy tờ được cấp đợt 1, cư dân HHB vẫn được cấp 16072 m2 đất sử dụng chung, với nguồn gốc sử dụng: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất

Đáng chú ý, trong sổ hồng được làm đợt 1 của cư dân tòa HHB - KĐT Tân Tây Đô, diện tích đất sử dụng chung vẫn là 16.072m2 như được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, đến đợt làm sổ thứ 2 thì diện tích đất sử dụng chung của cư dân HHB lại chỉ còn 3.307,4m2, và tại Block CT2A, CT2B là 4.352,8m2.

Việc diện tích sử dụng chung của cư dân bị hao hụt đã dẫn đến việc phần đất chính ra sẽ được xây dựng sân chơi riêng cho cư dân Khu đô thị nay biến thành cơ sở kinh doanh được Chủ đầu tư Hải Phát cho thuê lại kiếm lời.

Tại kết luận của Sở Xây dựng và kể cả của huyện Đan Phượng đều khẳng định là quán cà phê, trạm điện, trạm xử lý nước thải... là công trình trái phép trên đất, không có trên quy hoạch. Tuy nhiên, những công trình trên vẫn tồn tại và đương nhiên người dân ở đây không có sân chơi riêng.

Đáng chú ý, theo cư dân tòa HHB, chủ đầu tư Công ty Hải Phát đã căn cư vào trả lời của Sở TN&MT Hà Nội để chiếm dụng phần diện tích sử dụng chung này để kinh doanh thu lợi trên phần tài sản của cư dân.

Hợp đồng mua bán cũng ghi nhận rõ diện tích đất sử dụng chung là 16.072m2...

Cụ thể, lý giải tại sao có sự hao hụt diện tích so với hợp đồng mua bán, văn bản trả lời của Sở TN&MT Hà Nội ghi: Căn cứ điểm a, khoản 3, Điều 49, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung trong dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và thiết kế mặt bằng công trình để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong các hợp đồng mua bán nhà ở và bản vẽ hoàn công công trình để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua.

Như vậy, trong trường hợp tòa HHB khu đô thị Tân Tây Đô nói trên, Sở TN&MT Hà Nội đã căn cứ chính vào bản kê của Chủ đầu tư Hải Phát để cấp sổ đỏ cho cư dân.

Nhưng trên giấy tờ diện tích đất sử dụng chung của hầu hết cư dân HHB tại những đợt làm sổ sau lại chỉ còn 3.307,4m2

Không những thế, phần diện tích đất sử dụng chung chỉ còn 3.307,4m2 của HHB còn bị cư dân tố có nhiều dấu hiệu lập lờ, khi trong các văn bản mới nhất của Hải Phát và Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội gửi Ban Quản trị và cư dân phần diện tích này được xác định là toàn bộ khối đế của cả 2 tòa HHB và HHA. Lưu ý, tòa HHA thuộc sở hữu của chủ đầu tư Công ty TNHH Xuân Phương. 

Trách nhiệm của Hải Phát đến đâu?

Việc diện tích đất sử dụng chung được ghi nhận trong giấy tờ bị hao hụt lên đến hàng nghìn m2 đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của cư dân tại đây. Minh chứng cụ thể, diện tích trước tòa nhà HHB đã bị biến tướng thành hàng loạt công trình để Chủ đầu tư kinh doanh, trục lợi là sân Tennis, quán cà phê, nhà ở và cả bốt diện được đặt sai vị trí.

Với diện tích đất sử dụng chung là 16.072m2 ghi nhận trong hợp đồng mua bán của cư dân cả 3 Block, có thể khẳng định Chủ đầu tư Hải Phát đã phân bổ và thu tiền sử dụng đất để nộp tiền cho Nhà nước.

Vậy câu hỏi đặt ra hiện nay là, với diện tích đất sử dụng chung đã giảm đi phần lớn, Chủ đầu tư Hải Phát có phải hoàn trả tiền sử dụng đất đã thu chênh cho cư dân hay không? Được biết, số tiền này lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cơ sở kinh doanh trên phần đất đáng lẽ là sở hữu chung của cư dân toàn Khu đô thị

Hơn nữa, Chủ đầu tư Công ty Hải Phát đã xác định vị trí ranh giới, diện tích đất sử dụng chung như thế nào để nộp cho Sở TN&MT làm mất diện tích đất sử dụng chung mà họ đã bán cho cư dân 3 tòa nhà HHB, CT2A, CT2B?

Câu hỏi lớn nhất ở đây, khoản tiền đền sử dụng đất đã được đóng dựa trên phần diện tích sử dụng chung có được trả lại khi sổ đỏ đã hao hụt phần diện tích rất lớn so với hợp đồng mua bán.

Và rõ ràng diện tích sử dụng chung ghi nhận trên giấy chứng nhận đã giảm gần 13.000 m2 so với hợp đồng mua bán. Vậy Chủ đầu tư Công ty Hải Phát sẽ có những biện pháp gì để bồi thường thiệt hại cho hàng nghìn hộ dân sinh sống tại đây khi quyền tài sản của khách hàng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng?

Theo quy định tại Điều 385 BLDS 2015 “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hợp đồng hợp pháp là một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ giữa các bên chủ thể của hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì bên đó sẽ phải gánh chịu một số hậu quả pháp lý bất lợi mà dưới góc độ khoa học pháp lý được gọi là trách nhiệm dân sự. Trong đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trong những trách nhiệm dân sự được ghi nhận tại Điều 11 BLDS 2015.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...