“Nóng” cuộc đua tăng vốn tại các công ty chứng khoán

Thị trường chứng khoán giao dịch sôi động với thanh khoản trung bình lên đến gần 20.000 tỷ đồng/phiên đã đẩy nhu cầu vốn tăng cao khiến tình trạng margin đang rơi vào tình trạng “căng cứng” đòi hỏi các CTCK phải không ngừng bổ sung năng lực tài chính.
“Nóng” cuộc đua tăng vốn tại các công ty chứng khoán

Thống kê sơ bộ tại 14 công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2021, tính đến ngày 31/3, tổng dư nợ cho vay margin (giao dịch ký quỹ) ghi nhận 55.224 tỷ đồng, tăng 21,3% so với con số đầu năm.

Dự kiến, trong thời gian tới cho vay margin của các CTCK sẽ còn tiếp tục tăng khi mà các nhà chức trách đã tìm ra lỗi để khắc phục HoSE, kích thích tâm lý nhà đầu tư đổ dồn sự quan tâm vào thị trường. 

Từ tích cực phát hành

Lâu nay, các CTCK thường bổ sung vốn cho hoạt động bằng cách tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng giới hạn margin được phép cho vay. Vốn chủ sở hữu có thể tăng dựa trên lợi nhuận tích lũy từ kinh doanh, hoặc chào bán cổ phiếu mới để tăng vốn.

Tuy nhiên, lợi nhuận tích lũy không thể tăng nhanh bởi phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh định kỳ, do đó, nhiều công ty chứng khoán có xu hướng chào bán tăng vốn điều lệ.

Mới đây, CTCK VnDirect (mã: VND) vừa quyết định triển khai thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ theo phương án đã được Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 thông qua.

Theo đó, VnDirect dự kiến phát hành hơn 214,51 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 1:1, dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Thời gian phát hành trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022 sau khi hoàn tất các thủ tục. Giá chào bán 14.500 đồng/cp, dự kiến huy động hơn 3.110 tỷ đồng. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông CTCK TP.HCM (HSC, mã: HCM) cũng đã thông qua phương án phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu để huy động 2.135 tỷ đồng, trong đó, công ty dự kiến sẽ phân bổ cho hoạt động giao dịch ký quỹ 1.495 tỷ đồng.

Trước đó, CTCK Đà Nẵng (mã: DSC) đã lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng phát hành là 94 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ gần 1.567%.

Không chịu kém cạnh, CTCK SSI (mã: SSI) gây chú ý khi vừa công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng theo tài liệu họp.

Với phương án tăng vốn như vậy, đơn vị này là công ty duy nhất trên sàn có vốn điều lệ vượt 10.000 tỷ đồng. Thậm chí quy mô vốn tương đương một số ngân hàng như TPBank, LienVietPostBank, VIB, OCB, bỏ xa nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ.

Để thực hiện tham vọng này, SSI sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỉ lệ 6:2) (219,1 triệu cp), chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp (tỉ lệ 6:1) (109,6 triệu cp), chào bán riêng lẻ (104 triệu cổ phiếu) và phát hành ESOP (10 triệu cổ phiếu). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 hoặc thời hạn khác theo quyết định của Hội đồng Quản trị.

Về mục đích sử dụng, công ty sẽ dùng số tiền từ đợt tăng vốn để bổ sung vốn kinh doanh nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay ký quỹ.

Đến sử dụng “chiêu trò”

Thực tế, để phục vụ cho nhu cầu margin ngày càng tăng cao, các CTCK đã rất chủ động trong việc bổ sung nguồn vốn. Tuy nhiên, trước sự thăng hoa của thị trường, chắc chắn lượng nhà đầu tư mới sẽ còn gia tăng hơn nữa, nhóm doanh nghiệp phục vụ thị trường này không thể đi vay hoặc phát hành liên tiếp.

Do vậy, hình thức “hợp tác đầu tư” đang được một số doanh nghiệp như CTCK MB (MBS), VNDirect, Công ty quản lý tài sản Trí Việt… áp dụng.

Với hình thức này, trong khi chưa có nhu cầu phát sinh giao dịch, nhà đầu tư có thể “hợp tác” với CTCK để sinh lời mà không cần chuyển tiền ra bên ngoài với mức lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng thường từ 7-8,5%/năm, thậm chí đối với khách hàng "VIP" mức lãi suất có thể lên tới 10%/năm, đây là con số hấp dẫn hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Khi nào có nhu cầu giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch mà không cần thao tác chuyển tiền từ ngân hàng vào.

Không chỉ có lãi suất cao, các công ty chứng khoán cũng đưa ra nhiều kỳ hạn cho nhà đầu tư dễ dàng tham gia, thậm chí cả kỳ hạn 1 tuần cũng có mức lãi suất tương đối hấp dẫn (từ 2-3%/năm). Trong khi đó, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất dưới 0,3%/năm cho kỳ hạn ngắn ngày này.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đạt Chí - Phó Trưởng khoa tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), đây là những hình thức biến tướng cho việc huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước. Bởi theo luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, việc huy động vốn ngắn hạn từ cá nhân chỉ các ngân hàng mới được phép thực hiện.

Đáng chú ý, Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định rõ các CTCK chỉ được phép thực hiện 4 dịch vụ gồm môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán. CTCK phải quản lý tách bạch tiền của mình và tiền của khách hàng, mọi giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng phải thực hiện qua ngân hàng thương mại theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc các CTCK huy động tiền gửi từ các cá nhân là vi phạm quy định về tín dụng của NHNN. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán luôn có biến động rất lớn thì rủi ro tranh chấp có thể xảy ra nếu như CTCK không đủ năng lực để trả lãi cho nhà đầu tư , thậm chí rủi ro cho cả hệ thống tài chính do phản ứng dây chuyền và hệ lụy là khó lường.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm