Nông sản Việt Nam tìm đường sang châu Âu: Có khả thi?

Đó là câu hỏi tôi gặp thường xuyên từ các đối tác sau khi họ khẳng định hàng của các DN này đều rất “chuẩn” và có đầy đủ điều kiện, chứng chỉ… để sang phân phối tại Châu Âu, đặc biệt Liên minh châu Âu - EU...
cửa hàng tiện ích ở châu Âu
Vẫn chưa sử dụng hết tiềm năng hàng nghìn các cửa hàng tiện ích của Người Việt tại Châu Âu.

Thỉnh thoảng chúng ta nhận được những tin vui từ báo chí, truyền thông về nông sản Việt Nam như “Vải thiều Lục Ngạn được bày bán ở Châu Âu với giá trên trời, tương đương 400k/kg”, hay “Sầu riêng Việt Nam lên kệ hàng siêu thị tại Anh”… Tuy nhiên, phía sau niềm vui ấy luôn tồn tại một câu hỏi, không chỉ với các DN: “Sau đó rồi sao”?

“Người Việt Nam đang ăn đồ thiếu an toàn?”

Nhà sản xuất tại Việt Nam thường hay giải thích và ít công nhận những cảnh báo của nước bạn. Ví dụ, một DN của lô hàng mì ăn liên trên cho biết, những sản phẩm bị cảnh báo là do đơn vị gia công xuất khẩu theo công thức, nhãn hàng cho đối tác ở nước ngoài nhưng gần đây EU điều chỉnh quy định về hàm lượng ethylene oxide và đối tác (?) chưa kịp cập nhật cho DN. Vì thế công thức cũ có độ vênh (vượt tỉ lệ) so với quy định mới dẫn đến việc cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, tạm giữ và đưa ra cảnh báo.

DN khác chân thành hơn, họ cho hay những sản phẩm nội địa và xuất khẩu là có công thức khác nhau và các sản phẩm được khẳng định an toàn cho người dùng. Nói cách khác, người dân trong nước ăn và sử dụng sản phẩm “an toàn” cho người Việt nhưng chưa đủ “an toàn” cho “tây”.

Đây là một thực tế nếu không mạnh mẽ thừa nhận điểm yếu ở đâu, câu chuyện sẽ còn lặp đi lặp lại. Trong chuyến đi thăm tổng kho của một công ty phân phối lớn nhất của Việt Nam tại Đông Âu, chúng tôi rất ngạc nhiên chỉ thấy 3 - 4 sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam. Có thêm một vài sản phẩm khác như rau gia vị (đông lạnh), hải sản từ Việt Nam nhưng được nhập khẩu thông qua các công ty Pháp, Hà Lan trong tổng số hơn 3.000 mặt hàng các loại đang bày bán tại đây. Một tỉ lệ rất nhỏ: 0,1%.

Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, đại diện công ty cho biết: “Thật sự chúng tôi rất muốn ủng hộ hàng Việt Nam nhưng quá nguy hiểm và rủi ro bị thu hồi. Rất nhiều hàng Việt Nam sau khi đem ra phân tích, xét nghiệm đều không đạt chỉ số an toàn ở đây.” Anh Hùng nói thêm, rất nhiều những sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng và bán chạy của nhiều thương hiệu, công ty lớn nhất tại Việt Nam cũng không vượt qua kiểm tra mức an toàn.

“Như vậy người Việt Nam đang ăn đồ thiếu an toàn?”, chúng tôi sửng sốt.  

EU có các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường và sức khỏe động vật, vì vậy các sản phẩm nông nghiệp cần phải tuân thủ các quy định này để được xuất khẩu vào EU. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất nông sản Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ sản xuất, cải thiện quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời phải có chứng nhận hữu cơ hoặc chứng nhận GlobalGAP để chứng minh rằng sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn này.

nông sản Việt
Chỉ 0,1% là sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam tại Tổng kho phân phối này.

Như vậy chúng ta chưa vượt quan vòng sát hạch cơ bản đầu tiên. Chưa nói tới nhiều khó khăn khác còn đó như các chính sách thương mại và cạnh tranh của EU cũng có thể tạo ra các rào cản thương mại cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Các chi phí vận chuyển và xử lý hải quan cũng có thể làm tăng giá thành và làm cho các sản phẩm này khó cạnh tranh hơn trên thị trường EU.

Cũng rất khó cho những người, tổ chức xúc tiến thương mại sang EU. Kịch bản chúng tôi hay gặp là DN sẽ đặt vấn đề: “Chúng tôi có 100 tấn hạt điều, các bạn bán được sẽ có hoa hồng.”! Thực tế cho thấy, bán 100 tấn hạt điều sang Châu Âu thật sự rất khác với bán 10 kg hạt điều tại chợ ở Việt Nam !

Vậy phải làm gì?

Trước hết chúng ta cần nhìn nhận thật sự những lý do cần khắc phục và thay đổi. Trong đó bản chất là vấn đề sản xuất, quy trình kiểm tra và văn hóa canh tác của người dân.

Trước hết, vấn đề về quản lý sản xuất: Không ít sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn được sản xuất và chế biến theo các phương pháp truyền thống, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Ngoài ra, nhiều DN sản xuất nông sản ở Việt Nam chưa thực sự chú trọng đến quản lý chất lượng sản phẩm và quản lý quy trình sản xuất.

Vấn đề nghiêm trọng thứ hai là đã đến lúc cần thay đổi thật sự, không chỉ cho xuất khẩu mà cho ngay người tiêu dùng trong nước: Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tràn lan không thể kiểm soát.

Sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không đúng cách và quá mức cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm nông sản Việt Nam khó đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Một số nông dân Việt Nam vẫn sử dụng những loại phân bón và thuốc trừ sâu bị cấm trong EU hoặc sử dụng theo cách không đúng quy định. Ngoài ra, văn hóa canh tác cũng là vấn đề không nhỏ.

          

Việc xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Châu Âu vẫn gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn là những khó khăn nội tại, do chính chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của EU.

          

Một số nông dân Việt Nam chưa nắm vững quy trình sản xuất an toàn thực phẩm và chưa sử dụng đúng phương pháp bảo vệ thực vật. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng chưa được thực hiện đầy đủ, do đó khó đảm bảo được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Điều này khiến các DN thu mua, xuất khẩu khó kiểm soát được chất lượng và bị hệ lụy theo tác động chuỗi.

Tiếp theo là hạn chế về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật: Việc đưa sản phẩm nông sản từ nông trường đến các địa điểm chế biến và xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông và kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức. Ngay khâu đóng gói không bảo đẩm cũng  có thể làm cho sản phẩm nông sản bị tổn thất, bị nhiễm bẩn hoặc chất lượng giảm đi.

Và cuối cùng, ai cũng biết nhưng không thay đổi được: Việc kiểm soát chất lượng và giám sát quy trình sản xuất còn chưa được đảm bảo tốt, điều này có thể dẫn đến sự khác biệt trong chất lượng sản phẩm nông sản. Nhiều đơn vị sản xuất chưa sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế và chưa có chứng nhận ISO, HACCP, GLOBALGAP... Nhiều đơn vị khác có chứng chỉ nhưng chỉ làm hình thức cho có hoặc thậm chí không muốn hiểu ý nghĩa thật sự của những chứng chỉ các đối tác bạn yêu cầu.

Hiện nay, Việt Nam đã thành công với một số loại hàng hóa đang xuất khẩu sang EU gồm: gạo, cà phê, hạt điều, hải sản, thủy sản, trái cây và rau quả tươi, quần áo và giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi và nội thất. Tuy nhiên, danh mục sản phẩm có thể xuất khẩu sang EU có thể được thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào các quy định và chính sách của EU và các nước xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU đang trong quá trình đối mặt với nhiều thách thức. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU đạt 3,7 tỷ USD trong năm 2021, tăng 12,7% so với năm 2020. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2021.

Nông sản Thế giới không chỉ có Việt Nam

Không chỉ Việt Nam có hàng nông sản xuất khẩu sang EU. Nhiều nước cũng đang tích cực đưa hàng nông sản của mình vào thị trường rộng lớn và khó tính này. Giữa các quốc gia cũng đang có sự cạnh tranh khá gay gắt. Ngoài ra, những vấn đề về giá cả, thời gian vận chuyển và các chi phí khác cũng có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

giới thiệu hàng hóa ra châu Âu
Các nước Châu Âu làm tất cả để hỗ trợ và giới thiệu hàng hóa của họ ra quốc tế.

Đại dịch COVID-19 trong hơn 3 năm đã ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế trên toàn cầu, và xuất khẩu nông sản cũng không ngoại lệ. Các biện pháp hạn chế phong tỏa và giãn cách xã hội tại các nước EU đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ nông sản và gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn sang bên hàng xóm chúng ta - Thái Lan để so sánh và cùng tìm hiểu. Việt Nam và Thái Lan đều là những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và đang chú trọng vào xuất khẩu nông sản sang các thị trường trên thế giới, bao gồm EU. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa hai quốc gia này là rất lớn, do đó, việc so sánh sản lượng xuất khẩu của hai nước trong năm 2022 là tương đối và khó chính xác.

Các DN Việt Nam có thể cảm nhận được sự khác biệt lợi thế của các đối tác bạn được ưu đãi khi cùng tham gia vào một thị trường tại EU. Chính phủ Thái Lan cung cấp khoản tín dụng với lãi suất 3% cho các DN xuất khẩu để hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu của họ. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn hỗ trợ chi phí vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa và phí chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu.

Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách và hỗ trợ đáng kể cho các sản phẩm xuất khẩu của đất nước, nhằm giúp các DN xuất khẩu cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính.

Chính phủ Việt Nam cũng cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các DN xuất khẩu, nhằm hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu của họ. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng công bố hỗ trợ chi phí vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa và phí chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, rất ít các DN được hưởng những ưu đãi này và phần lớn họ phải tự bơi.

Tuy nhiên, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển xuất khẩu nông sản sang EU như tận dụng thị trường đối tác thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm của EU để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, và tăng cường quảng bá thương hiệu để tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường EU.

Như giới trẻ ngày nay hay nói “Muốn thì làm, không muốn thì tìm lý do!”, chính những DN xuất khẩu sang Châu Âu và các đối tác biết rõ hơn ai hết họ nên và có thể làm gì. Bên cạnh đó cũng mong các cơ quan chức năng hỗ trợ thực tế bằng chính sách và những biện pháp cụ thể (không chỉ dừng ở các hội thảo hay tọa đàm…) để giúp quảng bá thương hiệu, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường EU, gián tiếp hỗ trợ các DN và bà con nông dân.

Lê Nam

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…