“Nữ đại gia” vừa thâu tóm dự án khủng hơn 91.000m2 tại TP HCM: Hé lộ những thông tin bất ngờ

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Cửu Long do bà Lê Nguyễn Diễm My – một doanh nhân kín tiếng sinh năm 1988 làm Chủ tịch HĐTV vừa nhận chuyển nhượng một dự án nhà ở lớn tại Q.9, TP.HCM.
“Nữ đại gia” vừa thâu tóm dự án khủng hơn 91.000m2 tại TP HCM: Hé lộ những thông tin bất ngờ

Dự án có quy mô gần 91.000 m2 tại phường Long Trường, Q.9, TP.HCM, tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 284 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Bất động sản Cửu Long được thành lập vào năm 2016, có địa chỉ tại số 65 Nguyễn Du, Phường Bến Nghé, TP.HCM. Đại diện chủ sở hữu là bà Lê Nguyễn Diễm My, sinh năm 1988, quê ở Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Bà Diễm My được xem là doanh nhân BĐS khá kín tiếng, rất ít khi xuất hiện công khai trước truyền thông, ngoài lần xuất hiện với vai trò là người đại diện pháp luật, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức hồi giữa năm ngoái.

Công ty Gia Đức chính là doanh nghiệp gây “ồn ào” dư luận bởi thương vụ chuyển nhượng cho Novaland và màn tăng vốn “ngoạn mục”trước khi được chuyển nhượng chỉ sau hơn một năm thành lập.

Cụ thể, khi mới thành lập công ty Gia Đức có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, và chỉ có 2 cổ đông. Trong đó, bà Lê Nguyễn Diễm My sở hữu 99,99% vốn điều lệ, cổ đông thứ 2 là ông Nguyễn Quốc Hiển, chỉ góp 2 triệu đồng.

Ngày 29/3/2017, Công ty Gia Đức bất ngờ tăng vốn lên 1.939 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm là của ông Lý Trường An, một người cũng sinh năm 1988, quê ở An Giang.

Thương vụ này được Novaland công bố là có giá trị chuyển nhượng lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Đây quả là một thương vụ “hời” bởi bà Diễm Mỹ đã thu về số “lãi” gấp gần 100 lần số vốn bỏ ra ban đầu.

“Tăng vốn thần tốc” và vốn điều lệ 20 tỷ đồng dường như là một đặc điểm chung của những doanh nghiệp mà bà Diễm My đứng đầu. Bởi, tương tự Gia Đức, bất động sản Cửu Long – đơn vị vừa thâu tóm dự án tại quận 9 nói trên cũng có diễn biến tương tự.

Được thành lập tháng 10/2016 với vốn điều lệ là 20 tỷ đồng và có hai thành viên góp vốn, trong đó bà Diễm My góp 19,998 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nắm giữ 99,99%, còn lại bà Võ Thị Kim Khoa góp 2 triệu, chiếm 0,01% vốn điều lệ.

Đến tháng 3/2017, vốn điều lệ của công ty BĐS Cửu Long tăng đột biến hơn 32 lần, từ mức 20 tỷ đồng lên đến 645 tỷ đồng. Phần vốn góp của bà Kim Khoa và bà Diễm My vẫn giữ nguyên, số vốn tăng thêm hoàn toàn đến từ Công ty TNHH BĐS Quang Huy với 625 tỷ đồng vốn góp, chiếm 96,899% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, một công ty bất động sản có vốn điều lệ lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng tổng số lao động tính đến tháng 11/2017 mới chỉ có 5 người.

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2017, Novaland cũng nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Bách Hợp - một doanh nghiệp cũng có sở hữu của bà My.

Quay trở lại với thương vụ gần 2.000 tỷ đồng giữa bà My và Novaland thì công ty Gia Đức gần như “mất hút” sau khi được chuyển nhượng.

Hàng loạt các câu hỏi như 2.000 tỷ sẽ đi về đâu, có hiệu quả hay không hoặc đồng tiền bao giờ sẽ trở về với cổ đông… đã được cổ đông của Novaland đặt ra bày tỏ sự lo lắng.

Theo một chuyên gia chứng khoán, khoản tiền trị giá hàng ngàn tỷ đồng sau khi được chuyển sang doanh nghiệp mới có thể sẽ được ủy thác đầu tư và sau đó có thể được hạch toán vào khoản phải thu, không biết bao giờ sẽ trở về.

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu là công ty niêm yết, mọi hoạt động sẽ được các cổ đông cũng như nhà đầu tư theo dõi sát sao. Nhưng với một công ty con, công ty liên kết, công ty “sân sau” thì rất khó nắm bắt thông tin.

Liệu tới đây, BĐS Cửu Long có là một doanh nghiệp tiếp theo được chuyển nhượng cho Novaland như đã từng xảy ra với Gia Đức. Trên thực tế, một doanh nghiệp BĐS mới chỉ có 5 lao động như Cửu Long sẽ làm gì với dự án lớn vừa thâu tóm?

Ngoài công ty trên, hiện doanh nhân 8x Lê Nguyễn Diễm My còn là chủ của nhiều doanh nghiệp quy mô vốn hàng trăm tỷ đồng khác thuộc nhiều ngành nghề, như Công ty Vận chuyển Mercury (dịch vụ vận tải), Công ty Đầu tư bất động sản Hướng Công Viên (tư vấn bất động sản), Công ty Đầu tư và phát triển Song Giang (kinh doanh bất động sản), Công ty Đầu tư và phát triển bất động sản Cửu Long (kinh doanh bất động sản), Công ty cổ phần Nova Safe Fruit (bán buôn thực phẩm)...

Biết đâu đó một trong những doanh nghiệp này lại sắp góp mặt trong những thương vụ ngàn tỷ. Nhiều nhà đầu tư còn “hóm hỉnh” cho biết, Công ty CP Nova Safe Fruit và Novaland có cái tên “có vẻ là liên quan đến nhau”. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện bên lề và không có tính xác thực.

Có thể bạn quan tâm

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

Nhiều dự án nhà ở xã hội cũ đã tăng giá đáng kể, thậm chí có những dự án mức giá ngang bằng với chung cư thương mại...

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…