"Ông lớn" viễn thông làm công nghệ tài chính (Fintech): Bản sao hay con lai?

Muốn gia nhập thị trường màu mỡ mang tên "thanh toán điện tử", với vị thế, tiềm lực của mình, liệu Viettel và VNPT sẽ trở thành những doanh nghiệp Fintech thật sự hay vẫn chỉ là những ông lớn viễn thô
"Ông lớn" viễn thông làm công nghệ tài chính (Fintech): Bản sao hay con lai?

Với lượng người dùng lớn, thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt 2 tỷ USD/năm. Ảnh: Trung Lĩnh

Ðón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông cách đây hơn một tháng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi đó là Quyền Bộ trưởng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét cho sử dụng hạ tầng, tài khoản viễn thông và thẻ cào viễn thông của các nhà mạng để triển khai thanh toán điện tử.

Cụ thể là cho phép các nhà mạng sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số; thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ; đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép cho Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp (DN), các DN và
cá nhân.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các DN viễn thông Việt Nam đều có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng và các kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước. Việc cấp phép cho các DN viễn thông sẽ tận dụng hiệu quả thế mạnh sẵn có để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Mong muốn này tiếp tục được ông Hùng khẳng định trong bài phát biểu tại Diễn đàn "Smart IoT Việt Nam 2018" ngày 28-10 khi nhấn mạnh, điều đầu tiên cần làm trong cuộc cách mạng 4.0 là phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.

Theo ông Hùng, bằng cách này, Việt Nam có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh nguy cơ bị các đối tác nước ngoài vào Việt Nam lấn lướt trong thị trường thanh toán điện tử.

Nhưng điều quan trọng hơn, chính là, khi chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, người sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. "Việt Nam nhờ thế sẽ tạo ra các sản phẩm xuất khẩu mới nhưng với điều kiện phải chấp nhận sớm hơn người khác", ông Hùng phát biểu.

Ðề nghị của ông Hùng cũng là mong muốn của các DN viễn thông nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ủng hộ đề nghị này và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và báo cáo Thủ tướng.

Ðây chính là những ủng hộ thể hiện sự đồng thuận "kép" của Chính phủ để các DN viễn thông, doanh nghiệp nhà nước tham gia vào thị trường tài chính quốc tế và Fintech một cách "chuẩn hóa".

Mô hình nào sẽ "hợp chuẩn"?

Trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, cho tới nay NAPAS là đơn vị duy nhất được NHNN cấp phép hoạt động và NHNN cũng là cổ đông lớn nhất khi chiếm 49% vốn điều lệ.

Hiện, NAPAS quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 17.000 máy ATM, 270.000 máy POS, 300 DN thanh toán điện tử trong các lĩnh vực hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch; phục vụ hơn 100 triệu chủ thẻ của 46 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Trên thực tế, Viettel hay VNPT là hai DN viễn thông hàng đầu Việt Nam với độ phủ sóng khắp cả nước. Ðó là lý do, nếu được Chính phủ cấp phép hoạt động, chỉ ngay ngày hôm sau, ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân số Việt Nam, thậm chí hoàn toàn có thể trở thành một "NAPAS cấp cao" với khả năng quản lý hệ thống chuyển mạch liên thông lớn hơn NAPAS hiện thời.

Mặc dù có lợi thế hạ tầng, tiềm năng phủ sóng nhưng tương lai của VNPT hay Viettel trên bước đường trở thành các Fintech hàng đầu thì lại đang phải "chờ" định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể, đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, thẻ cào di động không phải là phương tiện thanh toán, càng không phải là trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ muốn thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Ðiều này khiến mô hình mà các ông lớn ngành viễn thông hướng đến trong thị trường Fintech đang rất khó đoán. Một là trở thành "bản sao hoàn hảo" của các DN Fintech nói chung hoặc chỉ đơn giản là một "đứa con lai" kinh doanh viễn thông và tham gia mô hình phát triển mới thời 4.0.

Thực chất, việc các "đại gia" viễn thông lấn sân thanh toán điện tử đã không còn mới. Năm 2008, VNPT cho ra mắt VNPT Epay, năm 2009 là Vinaphone với Vinapay và cuối cùng là Viettel với BankPlus vào đầu năm 2011. Ðây là ba DN cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử quy mô lớn nhất Việt Nam.

Khi thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng thanh toán dẫn đầu thế giới, khi thanh toán điện tử nghiễm nhiên trở thành thị trường "mới nổi" hấp dẫn thì việc nhiều DN, trong đó có cả DNNN muốn tham gia là điều hoàn toàn bình thường.

Nhưng để lấn sân thật sự vào mảng cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử thì lại là một vấn đề khác khi mảng kinh doanh trung gian này phải có một hệ thống luật và quy định rất rõ ràng, chặt chẽ bởi nó liên quan đến cả hệ thống ngân hàng đứng đằng sau.

Có một thực tế cho thấy, "tính tất yếu" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra quá nhanh và hệ quả là hệ thống luật pháp đang luôn phải đi sau. Một thí dụ rất tiêu biểu, sự xuất hiện của Grab, Uber đã không chỉ khiến các DN ta-xi truyền thống như Vinasun điêu đứng mà mô hình ta-xi công nghệ này còn khiến cả một hệ thống luật pháp phải "gồng mình" thay đổi.

Việc các đại gia ngành viễn thông muốn gia nhập vào thị trường Fintech nói chung và mảng cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nói riêng không chỉ là ý muốn của DN mà còn liên quan đến cả hệ thống pháp luật để định hình rõ ràng cả một quá trình hình thành và phát triển. Và khi đó, cách DN phát triển và cách Nhà nước quản lý lại trở thành vấn đề cần nghiên cứu, thậm chí rất nhiều.

Năm 2017, thị trường Fintech của Việt Nam đã đạt quy mô 4,4 tỷ USD. Dự báo vào năm 2020, con số này sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD.

Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Solidiance, các giải pháp thanh toán số đang chiếm tới 89% thị trường Fintech tại Việt Nam, lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lần lượt 31,2% và 35,9% vào năm 2025.

Theo Doãn Trường/ Nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...