Ông Nguyễn Thành Phong: “Đô thị sáng tạo sẽ là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế TP.HCM”

Hiện nay, TP.HCM đã triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025.
Ông Nguyễn Thành Phong: “Đô thị sáng tạo sẽ là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế TP.HCM”

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại “Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018”

Đây là những thông tin được ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tại “Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018” diễn ra sáng 23/11.

Theo ông Phong, điểm nhấn của “Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025” chính là việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông tại Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức. Đây là hạt nhân cốt lõi để thúc đẩy kinh tế TP, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Đề án đô thị thông minh của TP trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức.

Việc triển khai khu đô thị sáng tạo đang rất thuận lợi khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đồng thời, thành phố đang chuyển mình trở thành một siêu đô thị, đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, 15% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 32% số lượng doanh nghiệp của cả nước.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, thông tin thêm về khu vực phía Đông của TP.HCM hiện đang là nơi tập trung rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp với những sản phẩm mang hàm lượng khoa học – công nghệ cao.

Đồng thời, khu vực này còn là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng.

Tại đây hiện có: Khu đại học Quốc gia với 18 đại học thành viên và Viện nghiên cứu; Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao; Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657ha; các Khu Công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Sau khi được hình thành, Khu đô thị sáng tạo của TP sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng: là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, là trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, là trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Qua đó, sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Liêm cho biết: TP.HCM cần phải triển khai 5 nội dung sau:

Thứ nhất, hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp  - các Viện trường – Nhà nước để hợp tác chính thức về việc lập chương trình, thiết kế, phân phối, tiếp thị và quản trị. Sự hợp tác này nhằm giúp tăng cường liên kết giữa các chủ thể, phản ánh thực tế, đề ra các giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp một cách có hiệu quả.

Thứ hai, đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế (hoạt động kinh doanh), đô thị (không gian vật chất) và xã hội (đào tạo và thu hút nguồn nhân lực). Đối với nội dung này Thành phố đang tổ chức một cuộc thi quốc tế để tìm kiếm ý tưởng quy hoạch; nghiên cứu về Chiến lược phát triển kinh tế, tiến hành đầu tư và xây dựng một khu vực đổi mới phát triển để phát triển trên cả 3 khía cạnh kinh tế, không gian đô thị và xã hội trong tầm ngắn, trung và dài hạn.

Thứ ba, xây dựng các chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra một nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo. Việc thu hút tài năng bao gồm xây dựng môi trường lao động cho đội ngũ khoa học, phù hợp với các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu có mức độ tập trung nghiên cứu cao. Sẽ rất nhiều tài năng của Việt Nam chọn khởi nghiệp tại khu đô thị sáng tạo này vì sự thoải mái trong môi trường làm việc. Đây là môi trường cho các ý tưởng sáng tạo, cho các nhà đầu tư mạo hiểm, và tìm kiếm nguồn nhân lực.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng tổng thể bằng cách sử dụng khu vực đổi mới làm nền tảng tái tạo các vùng lân cận xung quanh đang gặp khó khăn cũng như tạo ra các cơ hội giáo dục, việc làm và các cơ hội khác cho các cư dân có thu nhập thấp của Thành phố. Các chiến lược sẽ đào tạo, trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế đổi mới hoặc các công việc cấp trung và cấp ba khác trong chuỗi phát triển sản phẩm sáng tạo.

Cuối cùng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; thương mại hóa đổi mới; khởi nghiệp và mở rộng doanh nghiệp (bao gồm vườn ươm doanh nghiệp); phát triển bất động sản đô thị, dân dụng, công nghiệp và thương mại (bao gồm cả không gian hợp tác mới); cơ sở hạ tầng dựa trên địa điểm (ví dụ: năng lượng, dịch vụ tiện ích, vận chuyển và viễn thông); cơ sở giáo dục và đào tạo; và các trung gian để quản lý hệ sinh thái đổi mới.

“Sự quản trị của chính quyền chỉ thành công khi có sự tham gia từ khu vực tư nhân, dân cư, các trường đại học, tổ chức quốc tế trong mọi cấp độ của tất cả tiến trình. Đặc biệt, khối cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình này”, ông Lê Thanh Liêm nhận định.

Có thể bạn quan tâm