Ông Phạm Sỹ Liêm: Nhiều dự án BT đổi đất lấy hạ tầng có dấu hiệu móc ngoặc

Nếu muốn triển khai dự án BT đổi đất lấy hạ tầng thì phải tiến hành đấu thầu công trình và đấu giá đất nhưng thực tế nhiều địa phương không làm. Hiện nay nhiều dự án BT đổi đất lấy hạ tầng có dấu hiệu
Ông Phạm Sỹ Liêm: Nhiều dự án BT đổi đất lấy hạ tầng có dấu hiệu móc ngoặc

Hàng loạt sai phạm liên quan đến triển khai các dự án đầu tư theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng đã bị phát hiện trong thời gian qua. Điều đáng nói là những lỗ hổng pháp luật đã lộ ra nhiều năm nay dư luận cũng như các chuyên gia lên tiếng rất nhiều nhưng cơ quan quản lý chưa kịp thời khắc phục tạo điều kiện cho lợi ích nhóm, tham nhũng. VietTimes đã có buổi trao với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề này.

Thưa ông, chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng về việc triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT hiện nay?

Phải nói rằng quốc tế quy định BT là xây dựng và chuyển giao nhưng hiện nay chúng ta đang hiểu nó là đổi đất lấy hạ tầng. Vậy đầu tư theo hình thức BT thì nhà đầu tư được cái gì? Có thể được nhiều thứ chứ không cứ gì là đất đai, ở Việt Nam chúng ta đặc trưng là chỉ xây dựng công trình để đổi lấy đất mà thôi.

Ông đánh giá thế nào về việc triển khai các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng tại các địa phương thời gian qua?

Nguyên lý là anh xây dựng sau đó chuyển giao cho tôi và tôi sẽ trả tiền dự án của anh bằng giá trị đất đai. Nhà nước có tài nguyên là đất đai, nhà đầu tư làm công trình và được trả giá trị đất đai tương đương với công trình. Cơ bản không có gì sai nhưng vấn đề là hiện nay chúng ta không thực hiện theo cơ chế thị trường trong khi không còn thời kỳ kinh tế bao cấp nữa. Thế mới là sai.

Cơ chế thị trường là giá công trình BT qua đấu thầu, tức là khi anh mua một công trình thì anh tổ chức đấu thầu ai mà đưa ra giá thấp nhất thì anh chọn. Ngược lại, anh có đất để bán thì phải đấu giá để ai trả giá cao nhất thì bán cho người đó.

Nhưng thực tế các dự án BT hiện nay giá công trình mới chỉ là họ dự toán không qua đấu thầu bất cần thị trường có công nhận hay không. Trong khi đó, giá đất đai thì theo quy định khung giá của Nhà nước cũng không phải giá thị trường. Vậy việc thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng hiện nay đang không theo cơ chế thị trường.

Theo tôi để thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng thì công trình BT phải đấu thầu để chọn nhà đầu tư, đất đai thì phải đấu giá để chọn người mua. Rồi lấy tiền đấu giá đất trả nhà đầu tư công trình chứ không thể cả 2 việc đó đều giao cho một chủ đầu tư. Nguy cơ tham nhũng là quá cao.

Hệ quả của việc triển khai dự án bất tuân cơ chế thị trường như thế nào thưa ông?

Tôi lấy ví dụ có thực, một tuyến đường BT liên tỉnh từ Hà Nội đến một tỉnh lân cận vừa qua đã thực hiện xong nhưng vẫn bị người dân khiếu nại, tố cáo kéo dài. Điểm muốn nói là đất mua ở Hà Nội giá cao thì doanh nghiệp này sang xin tỉnh bạn 500ha giải phóng mặt bằng quy mô cả một xã. Địa phương này đúng ra lấy đất để phục vụ lợi ích công của tỉnh này thôi nhưng đằng này lại lấy đất để phục vụ lợi ích công của Hà Nội là không đúng.

Dễ thấy, đất đó là thuộc một tỉnh khác lại để bán cho dân Hà Nội thì phải cần có đường tốt thì mới có người mua. Do đó, xuất hiện một dự án BT đổi đất lấy hạ tầng, làm một con đường liên tỉnh từ Hà Nội đi tỉnh đó vào đúng khu dự án đó. Vậy là con đường này thực ra là phục vụ cho chính nhà đầu tư. Nói là đường liên tỉnh nhưng lại đi đúng qua khu đô thị của nhà đầu tư, có nghĩa là họ được cả chì lẫn chài.

Đường này bản chất vẫn là Nhà nước trả tiền chứ không phải nhà đầu tư, và dự án bất động sản mà nhà đầu tư được giao đất thì giá đất tăng vèo vèo. Rõ ràng nhà đầu tư đã được hưởng lợi kép.

Tại sao có chuyện doanh nghiệp này đề xuất tuyến đường này, doanh nghiệp khác lại đề xuất tuyến kia vì chỗ nào có đất thực hiện dự án bất động sản của họ thì họ sẽ làm tuyến đường giao thông đi qua.

Rất nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT cũng vậy thôi, cứ làm công trình BT thì hầu hết là đi qua dự án đất đối ứng. Đây là dấu hiệu của sự móc ngoặc ghê gớm khiến nhà đầu tư được lợi kép. Và nhà đầu tư đạt được siêu lợi nhuận thì phải chia chác, nguy cơ tham nhũng thấy rõ.

Ông Phạm Sỹ Liêm: Nhiều dự án BT đổi đất lấy hạ tầng có dấu hiệu móc ngoặc ảnh 1

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Rất nhiều chuyên gia cho rằng việc chỉ định nhà đầu tư có nguy cơ tham nhũng rất cao, ông đánh giá sao về điều này?

Chính quyền biết chỉ định ai? Bây giờ nhiều khi chỉ định nhà đầu tư đồng thời là sân sau của anh, tức là anh chỉ định anh thì có chứ không cứ gì chỉ định nhà đầu tư khác.

Thực ra chuyện này cũng không phải là bì mật gì, và cũng chẳng ai kiểm tra, hay hỏi cả. Không những thế có khi lại tặng huân chương, bằng khen, phần thưởng cao quý cho nhà đầu tư.

Vậy ở đây đáng trách là ai? Đáng trách không phải là nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư cũng có chuyện này kia, vấn đề là ở chỗ chính quyền. Nếu một chính quyền làm có luật lệ, có nghiêm túc, quy định cụ thể thì làm sao có kẽ hở đó.

Mặc dù dư luận lên tiếng về nguy cơ tham nhũng trong dự án đổi đất lấy hạ tầng nhưng vừa qua Hà Nội vẫn bổ sung thêm loại dự án này để thực hiện trong giai đoạn mới. Vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ở đây có nhiều chuyện lạ. Cụ thể, về dự án giao thông đô thị thì số liệu về giao thông đô thị chính xác nhất do chính quyền nắm giữ. Thế tại sao Hà Nội không tự lập dự án mà lại đi bảo doanh nghiệp tư nhân lập dự án. Một việc đáng lẽ chính quyền phải làm nhưng lại không làm mà đi giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện là không ổn, mà mới chỉ nghiên cứu dự án thì đáng bao nhiêu tiền. Đằng này giao cho thiên hạ làm để tiết kiệm ngân sách ư?! Ông chọn ai thì thế nào chẳng có “lễ độ” với ông.

Có thể doanh nghiệp đề xuất lập nghiên cứu dự án xong sẽ trình thành phố sau đó thành phố muốn chọn ai thì chọn. Sao lại có chuyện thế được! Tôi thấy rất vô lý.

Theo ông, cần có giải pháp nào loại bỏ kẽ hở pháp luật để cơ chế đổi đất lấy hạ tầng thật sự phát huy hiệu quả?

Bây giờ ai cũng nói có kẽ hở trong đổi đất lấy hạ tầng này nhưng cho đến giờ phút này có quy định nào đâu. Việc này tôi đã nói mấy năm nay chứ không phải bây giờ mới nói, các nhà làm chính sách hình như đã có ai động đậy gì đâu. Cho nên nói hôm nay nhưng mai lại diễn ra thôi.

Theo tôi, Chính phủ phải có những quy định để ngăn chặn những thiếu sót vừa qua. Nếu như Chính phủ chưa có thì địa phương hoàn toàn có thể đưa ra quy chế của địa phương, nếu muốn chống tham nhũng thực sự.

Nếu các địa phương hay Chính phủ cần thì Tổng Hội Xây dựng Việt Nam chúng tôi sẽ sẵn sàng cử người tham gia tư vấn, góp ý về quy chế này. Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi chưa được mời tham gia đánh giá, thẩm định, góp ý kiến đúng nghĩa về vấn đề này. Thông thường họ chọn xong hết cả rồi, gửi cấp tốc trong vòng 01 tuần lễ xin đóng góp ý kiến. Ở đây lấy ý kiến chỉ là hình thức nhưng thực tâm thì không phải là hỏi xin ý kiến mà chỉ là hợp thức hóa những cái họ đã lựa chọn, quyết định rồi mà thôi.

Xin cám ơn ông!

Theo Viettimes

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…