Paris không dành cho người yếu tim

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về Paris là: Nhịp sống quá gấp gáp. Người ta đi như chạy trên những con phố đẹp như mơ.

Paris không dành cho người yếu tim

Dưới ga metro, tiếng tàu rầm rầm, bánh tàu nghiến ken két xuống đường ray; Tiếng thang cuốn lục cục nặng nề kéo cả đoàn người nhấp nhổm; Những cánh cửa soát vé tự động đóng mở rầm rập… Không ai bảo ai, cả đoàn người cứ hùng hục chạy, như thể bị ma đuổi.

Paris quá khác biệt so với 10 năm trước tôi đến. Sân bay chật ních người. Từng đoàn, từ mọi ngả xếp hàng tiến đến các cửa nhập cảnh. Mặc dù đã được cảnh báo rồi mà tôi vẫn không khỏi ngao ngán và sốt ruột. Hơn 2 tiếng chờ đợi, mẹ con tôi qua được cửa nhập cảnh. Các băng chuyền hành lý đang hối hả chạy… Thêm gần tiếng nữa, chúng tôi lấy được 3 va ly. Còn 1 va ly bị thất lạc.

Tác giả với một gia đình người Syria tại ga tàu điện ngầm

Tác giả với một gia đình người Syria tại ga tàu điện ngầm

Một tin động trời đón chúng tôi khiến ai nấy đều choáng váng. Vợ chồng anh H. – người bạn lớn tuổi của gia đình tôi từ gần ba mươi năm nay - không thể đón chúng tôi, càng không thể đưa chúng tôi về nhà ở như dự kiến ban đầu vì ngôi nhà của họ vừa bị cháy rụi trong đêm.

Người đàn ông mái đầu đã ngả bạc, đón chúng tôi với vẻ mệt mỏi. Chúng tôi ngồi ngoài sân, trong bầu không khí vẫn đậm đặc Co2, khung cảnh ngổn ngang, tan hoang những đồ đạc cháy dở… Cả một dãy phòng đã bị bà hỏa thiêu sạch, chừa lại cho anh đúng cái nhà để xe nhỏ. Thôi thế là bao nhiêu vốn liếng, kỷ niệm, tài sản quý giá của 20 năm trên đất Pháp đã ra đi. Rủi cho anh, ngôi nhà đang làm thủ tục bán, hạn bảo hiểm vừa hết nên anh mất đơn mất kép. Hậu quả sẽ còn nặng nề hơn những gì đã bị bà hỏa thiêu hết.

Người hàng xóm tốt bụng đứng ra quyên góp để hỗ trợ gia đình anh trong cơn hoạn nạn. Nào là máy giặt, tủ lạnh, máy rửa bát và các đồ gia dụng… nhưng anh chị hiện tại chỉ biết ghi nhận vì… nhà cháy rồi, biết để chúng ở đâu?!.

Tôi không muốn đi sâu vào thân thế, sự nghiệp của anh, chỉ biết rằng, đó là người đàn ông đã làm tất cả vì gia đình, đã hy sinh sự nghiệp rực rỡ của mình để các con có một tương lai tốt đẹp.

Những con phố cửa đóng then cài giữa ngày hè

Những con phố cửa đóng then cài giữa ngày hè

Nhưng, vì sao với tôi, Paris ngày nay lại không dành cho người yếu tim? Ngoài cái nhịp sống sầm sập từ mặt đất xuống đến tàu điện ngầm khiến người ta lúc nào cũng chạy như ma đuổi, như có cái gì sắp nổ phía sau còn có vô số điều khiến quả tim cứ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nhìn các màu da trên phố có thể thấy, vấn đề của người nhập cư đang khiến nước Pháp nặng gánh như thế nào. Con người thì ở đâu cũng muốn sự bình yên, những điều tốt đẹp. Vì thế mà họ tới Paris. Nhưng có những kẻ không muốn cho người khác bình yên. Và họ ra tay tàn phá… Mấy năm gần đây, Paris bị khủng bố vài lần, thịt nát xương tan. Nhưng người Paris dường như đã quen với những hiểm nguy. Họ vẫn kéo nhau tới nhà hát Opera, vẫn vô tư thưởng thức bia tươi trên vỉa hè, ngay bên cạnh tiếng chân chạy của hàng đoàn người (đi bộ) trên phố.

Có thể bắt gặp khá nhiều gia đình gốc Trung Đông đứng ăn xin tại các cửa ga tàu điện ngầm hay trong cả các toa tàu… Đêm đến, họ tìm đến các góc phố để tá túc. Chăn, áo quần ấm, xe đẩy… không thiếu vì người Paris sẵn sàng chia sẻ. Nhưng sáng ra, nhiều góc khuất của các nhà ga, bậc tàu điện ngầm đẫm nước thải… Chủ các tiệm cà phê cũng khốn khổ vì dọn vệ sinh buổi sáng trước cửa tiệm. 50 cent hay 1 EUR cho 1 lần ghé thăm nhà vệ sinh. Với người vô gia cư, đó là điều xa xỉ.

Cướp bóc cũng đang là vấn nạn. Gần đây nhất, một thanh niên người Trung Quốc đã bị cướp túi, anh này cố giằng lại thì bị đồng bọn của tên cướp từ phía sau vượt lên, mỗi tên cho anh một cái đá và người thanh niên đã bị chết tức tưởi. Tôi cũng có cảm giác khiếp sợ khi liên tục được nghe người thân sống ở Paris dặn là phải kín đáo, cẩn thận… Khi tôi mua hoa quả dưới tàu điện ngầm, vừa rút tờ 100 EUR để trả tiền, người bán hàng đã trợn mắt, thái độ còn khiếp vía hơn cả tôi: Quay mặt vào đây ngay, đừng để ai nhìn thấy tiền… làm tôi ớn lạnh.

Tôi vốn thần hồn nát thần tính nên cũng hay gặp chuyện chẳng đâu vào đâu. Vừa yên vị trên tàu thì có hai người đàn ông bước vào chỗ tôi ngồi. Góc tàu bỗng tối sẫm bởi màu da của họ. Tôi có cảm giác mình bị kẹp cứng, nín thở và lòng thầm mong nhanh tới ga. Khi tàu vừa dừng lại, cánh cửa mở là tôi “nhảy ùm” ra ngoài. Một lần khác, có anh thanh niên lên tàu nhưng cứ đứng sát cửa, mặc cho phía sau nhiều chỗ trống. Anh ta cứ dùng tay vặn cái núm ở cánh cửa. Hành động của anh khiến tôi có cảm giác như bị kiến bò vì bất an. Chỉ đến khi anh này xuống ga tôi mới thở phào. Chưa hết. Mấy lần tàu bị trục trặc gì đó, nghe loa thông báo xong là cả đoàn người ào xuống sân ga. Loáng cái, sân ga thành một biển người kẹt cứng. Lạy Chúa! Nếu ai đó mà hô một tiếng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Lần khác, trong tàu có mùi khét. Dân tình nháo nhào nhìn nhau nhưng không thấy loa phóng thanh thông báo tin xấu, mọi người lại yên vị tại chỗ.

Để cho đỡ căng thẳng, tôi cố gắng bắt nhịp và nhìn cuộc sống trên tàu điện ngầm dưới góc độ hài hước. Nó vui đáo để. Người hát rong làm tôi nhớ đến những người hát xẩm trên tàu điện Hà Nội năm nào. Nhớ cả đến những người bán trà xanh ai nước chè "lào”; Nhớ những người đi rút dép thuê: “Rút dép nào, rút dép đê… Rút được dép ông cười. Bà thấy ông cười bà cười. Con thấy bố mẹ cười cũng cười. Cháu thấy ông bà cười cháu cười… Cả nhà cùng cười mà chỉ mất có một hào. Rút dép nào. Rút dép đê!!!”. (Chú thích: dép cao su từng rất được ưa chuộng. Nhưng nó hay bị tuột quai. Dịch vụ rút dép là xỏ lại quai vào dép). Nghĩ vơ vẩn vậy khiến tôi cũng nhẹ bớt phần nào.

Dù có căng thẳng và chút hoang mang, tôi cũng không thể hững hờ trước những gia đình Syria có con nhỏ đứng xin ăn ở ga tàu điện ngầm. Vài lần tôi cho họ tiền, chụp ảnh cùng họ, đeo kính râm trong ga tàu – chỉ để họ không nhìn thấy nước mắt mình đang tràn chảy. Tôi đã từng là đứa trẻ chạy bom đạn chiến tranh nên quá nhạy cảm với những gì thuộc về giết chóc…

Thi thoảng lại bắt gặp những người bị tâm thần. Họ bước đi và lảm nhảm điều gì không ai nghe rõ. Có lần tôi chứng kiến một “vị giáo sư” trên tàu (tôi gọi thế vì ông ấy mang phong độ của một giáo sư). Ông mặc comple lịch lãm, tay chắp sau lưng, đi lại và giảng giải như một diễn giả… Mọi người ai cũng quá bận rộn nên cứ né, nhường không gian cho ông “giảng bài”.

Chẳng ai có thời giờ quan tâm đến một kẻ không gây phiền cho ai!

Đây là những mảng tối sẫm của một Paris kinh đô ánh sáng!

Tháng 7 và 8 là tháng mà người Paris, dù giàu hay nghèo đều kéo nhau đi du lịch, để lại thành phố cho dân từ nơi khác đến thăm thú. Họ cũng chỉ làm việc 4 ngày/ tuần, còn lại là nghỉ ngơi hoặc đưa cả nhà đi picnic. Với nhịp sống sầm sập như thế, với guồng quay chóng mặt như thế, nếu không tìm cách thoát ra khỏi công việc, cách xa thành phố, chắc Paris có thêm nhiều người rơi vào tình trạng “mất kiểm soát”.

Khu vực trung tâm Paris ngập tràn khách du lịch Trung Quốc

Khu vực trung tâm Paris ngập tràn khách du lịch Trung Quốc

Trừ khu vực trung tâm, nhiều con phố đã đóng cửa im ỉm vì chủ hàng và nhân viên đều đi du lịch. Tôi từng dùng Trip Advisor để tìm được quầy bánh mì Việt Nam ở quận 9. Khi tôi đến, anh chủ quán người Việt vừa cười vừa kéo cánh cửa cuốn xuống và giải thích: Anh đóng cửa đi nghỉ hè đây. 27/8 em lại nhé.

Tất cả những người Việt Nam mà tôi gặp tại Paris đều có chung một tâm trạng: Cuộc sống ở Paris giờ đây rất bất an, nhưng vì mưu sinh, vì đã quá gắn bó với cuộc sống này nên họ khó mà thay đổi được. Hơn thế, môi trường trong nước cũng không dễ dàng với những người con trở về… Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu quốc gia đủ mạnh, có môi trường phát triển tốt và tạo được niềm tin vững chắc cho mọi người thì mấy ai đã nghĩ đến chuyện tha hương…

Chỉ còn vài tiếng nữa là tôi rời Paris, ám ảnh trong tôi là hình ảnh người đàn ông trí thức Việt đã dâng tặng cho thành Paris hoa lệ 20 năm tuổi thanh xuân, để giờ đây, đêm đêm anh ngồi lặng lẽ bên đống tro tàn trên nền nhà mình, nghĩ về thân phận, về quê hương, về những đúng – sai của một kiếp đời. Paris ơi, chắc lâu lắm tôi mới có thể quay trở lại!

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo mới từ FDA về rủi ro của thuốc giảm cân

Cảnh báo mới từ FDA về rủi ro của thuốc giảm cân

FDA vừa bổ sung một cảnh báo mới đối với các loại thuốc giảm cân như Ozempic và Wegovy, khuyến cáo rằng bệnh nhân sử dụng các thuốc này có thể đối mặt với nguy cơ hít phải dịch dạ dày vào phổi khi gây mê….

Thời điểm tập luyện: Bí quyết để tối ưu hóa quá trình giảm cân

Thời điểm tập luyện: Bí quyết để tối ưu hóa quá trình giảm cân

Thời gian tập luyện có thể ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu giảm cân, từ việc cải thiện trao đổi chất đến tăng cường hiệu suất thể thao. Hãy cùng tìm hiểu thêm về lợi ích của việc tập luyện vào buổi sáng và buổi chiều để chọn thời điểm phù hợp nhất với cơ thể và lịch trình của bạn…

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Mùa đông là thời điểm tuyệt vời để khám phá các lễ hội độc đáo trên khắp thế giới. Từ hội chợ Giáng sinh ở London cho đến lễ hội ánh sáng Amsterdam, mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến trải nghiệm khó quên…

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Vẫn tâm trạng háo hức của kẻ đang khám phá vùng đất mới. Sáng thường ngủ dậy muộn nên bữa sáng cũng gần với bữa trưa, xong xuôi tôi ngồi vào bàn viết để ngắm nhìn bầu trời trong xanh trước mặt và đám cây cỏ...

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...