Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của quỹ này sẽ giảm từ 49.056.778 cổ phiếu, chiếm 2,31% xuống còn 29.056.778 cổ phiếu, chiếm 1,37% vốn điều lệ tại HPG. Thời gian giao dịch từ ngày 16/11 đến ngày 14/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trước đó PENM III đăng ký bán 20 triệu cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, nhưng hết thời gian đăng ký mới chỉ bán được 10,9 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân không là do giá thị trường không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên PENM III vẫn chưa sử dụng hết thời gian đăng ký bán - giao dịch bán ra này thực hiện từ 5/10 đến 10/10/2018.
Chưa biết PENM III kỳ vọng bán ra ở mức giá nào. Tuy nhiên xét thời điểm PENM III bán ra đợt vừa rồi (từ 5/10 đến 10/10/2018) thì cổ phiếu HPG giao dịch quanh vùng giá từ 41.000 đồng/cổ phiếu đến 41.500 đồng/cổ phiếu – giảm nhẹ so với thời điểm bắt đầu đăng ký bán (42.000 đồng/cổ phiếu).
Tuy nhiên đến nay HPG còn giảm mạnh hơn, rơi về mức 36.900 đồng/cổ phiếu giảm xấp xỉ 10% so với giá thời điểm PENM III bán ra trước đó. Tạm tính tại mức giá này, PENM III có thể thu về 738 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký trong lần này.
Được biết, PENM III có liên quan đến ông Hans Christian Jacobsen là Thành viên Hội đồng Quản trị HPG, đồng thời là Giám đốc điều hành của quỹ.
Tập đoàn Hòa Phát đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 với doanh thu đạt gần 42.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 6.833 tỷ đồng, tăng 22%.
Các nhóm ngành kinh doanh giữ vững nhịp tăng trưởng. Thép xây dựng đã cho ra thị trường gần 1,7 triệu tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2018, con số này sẽ là 2,3 triệu tấn. Hòa Phát đang tập trung cho tiến độ hoàn thiện Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất nhằm đạt tổng công suất 4 triệu tấn thép xây dựng vào năm 2019 và 5 triệu tấn thép xây dựng từ 2020. Sau khi dự án hoạt động ổn định, thị phần thép xây dựng Hòa Phát dự kiến sẽ chiếm ít nhất 30% toàn thị trường. Nhóm sản phẩm công nghiệp khác như nội thất, điện lạnh hoạt động ổn định…