Phát triển BĐS CN: Phải “vượt qua được nỗi sợ khác người”

Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM khi nói về cơ hội của BĐS CN trong giai đoạn sắp tới tại Diễn đàn BĐS CN Việt Nam 2020.

Trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với những diễn biến nhanh, khó lường. Nhiều quốc gia đã phải thực hiện những biện pháp chưa từng có tiền lệ - như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội… để phòng chống đại dịch này. Ngay tại thời điểm này, dù không ít quốc gia đã thảo luận công khai về kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, diễn biến dịch ở bình diện toàn cầu vẫn còn khá căng thẳng. Thậm chí, thảo luận về đợt dịch thứ hai đang trở nên phổ biến hơn. Những diễn biến này đã tác động không nhỏ đến chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, qua đó tác động đến quá trình dịch chuyển đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM

Như chúng ta đã biết, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay khá bất định. Các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư và/hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Việc Việt Nam sớm có chuyển biến trong đẩy lùi đại dịch COVID-19 có thể được nhà đầu tư nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của Chính phủ. Nếu tiếp tục duy trì những chuyển biến này, cùng với việc kịp thời xây dựng và chuyển dần sang thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, chúng ta sẽ có cơ hội không nhỏ để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài có chất lượng.

Để đạt được mục tiêu đó, một trong những yêu cầu quan trọng là chúng ta phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, phát triển hạ tầng khu công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ý nghĩa quan trọng ấy không chỉ xuất phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư đang hiện diện hoặc mong muốn đầu tư ở Việt Nam. Trong hơn 30 năm qua, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp. Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phát triển các khu chức năng trong khu kinh tế huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng các khu này để kết nối đồng bộ với các khu chức năng khác trong khu kinh tế, với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Với hạ tầng sẵn có, các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án, đồng thời góp phần quan trọng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông thôn của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và cả nước. Ngược lại, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi làm ăn và tích lũy hiệu quả tại Việt Nam đã cân nhắc, ủng hộ, thậm chí trực tiếp tham gia nhiều hơn vào đầu tư trở lại cho hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

 Có thể thấy rằng, cơ hội vàng từ thu hút các nguồn đầu tư trong và nước và nước ngoài đòi hỏi chúng ta phải có những hành động nhanh, đúng trọng tâm, và hiệu quả hơn. Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó có chỉ ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mới đây nhất, vào ngày 17, 18/6 vừa qua, Quốc hội Việt nam đã thông quan 3 bộ luật rất quan trọng là Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật  PPP. Đây là những khung khổ pháp lý quan trọng trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, trong đó có đầu tư vào bất động sản công nghiệp. Trong đó, một số nội dung cần đặc biệt quan tâm là:

Thứ nhất, phát triển bất động sản công nghiệp phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp. Các khu công nghiệp, khu kinh tế cần tiếp tục là nơi thuận lợi để xây dựng, thử nghiệm các không gian phát triển mới, trước khi triển khai ở các địa bàn khác trên cả nước. Cụ thể, các khu công nghiệp, khu kinh tế phải đóng góp đáng kể vào chuyển đổi không gian phát triển, áp dụng thí điểm các mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch. Đây cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta đẩy mạnh các thảo luận về yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo tôi, không có nơi nào thuận lợi hơn khu công nghiệp trong việc thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, các khu công nghiệp phải vượt qua hình ảnh truyền thống về một địa điểm sản xuất tập trung, mà phải trở thành một nơi để người lao động gắn bó, để người lao động yên tâm phát triển, cống hiến, và thụ hưởng thành quả lao động. Người lao động sẽ khó có thể học hỏi, cải thiện năng suất nếu khu công nghiệp còn thiếu những hạ tầng bổ trợ như nhà trẻ, nhà ở, v.v. Thực tế hiện nay cũng cho ta thấy đầu tư vào hạ tầng y tế, chăm sóc sức khỏe cho người lao động luôn là một khoản đầu tư cần thiết, có trách nhiệm. Vấn đề là tạo động lực để các khu công nghiệp ở nước ta cải thiện một cách thực chất trên các phương diện này.

Thứ ba, các khu công nghiệp cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, v.v., mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương.

Phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc. Chính ở đây, từng địa phương và từng khu công nghiệp phải “vượt qua được nỗi sợ khác người”.

Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp, mà cả hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp. Làm được điều đó, các khu công nghiệp sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng – yêu cầu mà chúng ta đã nhìn nhận trong nhiều năm qua mà chưa hiện thực hóa một cách hiệu quả.

Những yêu cầu trên đây có thể không mới, song đã trở nên cấp thiết hơn rất nhiều. Bối cảnh kinh tế và đầu tư trong thời kỳ hiện nay không hoàn toàn màu hồng, nhưng “trong nguy có cơ”. Rủi ro không nhỏ, nhưng cơ hội cũng không ít, thậm chí quý hơn “vàng”.

Xem thêm

Diễn đàn Bất Động Sản Công Nghiệp Việt Nam Lần 2 năm 2020

Diễn đàn Bất Động Sản Công Nghiệp Việt Nam Lần 2 năm 2020

Tiếp nối thành công của sự kiện lần thứ nhất, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (Bộ KH&ĐT) – Hiệp hội Bất động sản VN và Tạp chí Thương Gia tổ chức Diễn đàn BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2020 – Lần thứ 2: “Thời cơ vàng trong vận hội mới”.

Có thể bạn quan tâm