Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, tổng mức đầu tư 8.300 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 6/9/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương

Theo quyết định, mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Dầu Giây - Liên Khương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung;

Đồng thời tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với ĐBSCL, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60,1 km; điểm đầu trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, điểm cuối tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú, Đồng Nai), sẽ kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Dự kiến, nhu cầu sử dụng đất của dự án vào khoảng hơn 311ha, trong đó diện tích đất rừng là hơn 27,3ha.

Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025 theo hình thức hợp đồng dự án PPP (Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT).

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án: 8.365,651 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 7.065,651 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án: khoảng 1.300 tỷ đồng, dùng để chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình…

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật PPP và pháp luật về đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt Dự án theo quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn nhà nước trong Dự án để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị mặt bằng xây dựng để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 56 của Luật PPP, quy định pháp luật về đất đai.

Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Hai dự án thành phần còn lại là: Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (Dài 66km, dự kiến vốn đầu tư 16.220 tỷ đồng) và cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương (Dài 73,9km, dự kiến vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng). Tổng chiều dài toàn tuyến Dầu Giây – Liên Khương là 200,3km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.

Sau khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Lạt, vùng TP.HCM.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm