Phê duyệt khung giá điện LNG: Cao nhất gần 2.600 đồng/kWh

Mới đây, Bộ Công Thương đã phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện khí LNG năm 2024. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Giá điện LNG cao nhất gần 2.600 đồng/kWh
Giá điện LNG cao nhất gần 2.600 đồng/kWh

Ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký Quyết định số 1260/QĐ-BCT phê duyệt khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG).

Cụ thể, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện khí LNG năm 2024 là 0 - 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, mức giá trần được phê duyệt là 2.590,85 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, các thông số sử dụng tính toán mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện khí LNG năm 2024 được quy định gồm công suất tinh là 1.579.125 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85%, 6.330,2 BTU/kWh; giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) là 12,9792 USD/tr.BTU; tỷ giá 24.520 đồng/USD.

Theo quyết định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện đàm phán giá mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về phương pháp xác định giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành và quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng, EVN cho biết, hiện đã thực hiện đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, bắt đầu đàm phán với Nhà máy điện khí Hiệp Phước.

Tuy nhiên, vấn đề giá điện của dự án các bên vẫn chưa thống nhất. Vướng mắc lớn nhất là khi đàm phán, các chủ đầu tư điện khí LNG luôn đề nghị EVN thống nhất tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức từ 72 - 90% trong toàn bộ thời hạn hợp đồng.

EVN cho rằng việc chấp thuận điều kiện này sẽ gây rủi ro phát sinh làm tăng giá điện, không công bằng với các loại hình nhà máy điện khác tham gia thị trường điện.

Do LNG là loại hình nhiên liệu có giá thành cao (giá LNG nhập khẩu về đến cảng của Việt Nam ở mức 12-14 USD/triệu BTU) nên giá thành phát điện của nhà máy điện khí sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu sẽ ở mức 2.400 - 2.800 đồng/kWh. Mức này cao hơn nhiều so với giá thành phát điện của các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống.

Chưa kể đến năm 2030, dự kiến tổng công suất điện khí chiếm khoảng 15% tổng công suất nguồn điện quốc gia.

Với giá thành phát điện cao, độ biến động lớn cũng như yêu cầu cam kết sản lượng dài hạn như trên, chi phí mua điện đầu vào của EVN sẽ bị ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến giá bán lẻ điện đầu ra khi các nguồn LNG đi vào vận hành.

Ngoài ra, theo quy hoạch điện VIII, tới năm 2030 sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển nhưng đa phần các dự án đều không theo kịp với tiến độ đề ra ngoại trừ dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Công Thương với các địa phương, chủ đầu tư và Ủy ban Quản lý‎ vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các dự án nhiệt điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi.

Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết thoả thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải toả công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…

Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, các dự án điện khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng LNG có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tổng sơ đồ điện VIII đến năm 2030 và quan trọng đối với vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, nhất là với phía Bắc.

"Đây là nguồn điện nền và cũng là nguồn điện có phát thải thấp. Vì vậy, nếu để chậm tiến độ của các dự án này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia", ông Diên khẳng định.

Có thể bạn quan tâm