Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 129,83 điểm (- 0,38%) xuống 34.288,64 điểm, chỉ số S&P 500 thấp hơn 8,77 điểm (-0,20%) còn 4.446,82 điểm và Nasdaq Composite mất 25,12 điểm (-0,18%) thành 13.791,65 điểm.
Vật liệu là ngành có mức giảm lớn nhất trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500, giảm 2,5%.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor Index hạ 2,2%, trong khi cổ phiếu Intel mất 3,3% và Texas Instruments giảm 1,8% sau tin tức Trung Quốc ban hành lệnh kiểm soát xuất khẩu một số kim loại quan trọng khi căng thẳng về quyền tiếp cận các vi mạch công nghệ cao giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ khác, Apple giảm 0,6% mặc dù vốn hóa thị trường vẫn giữ mức trên 3 nghìn tỷ USD, trong khi Microsoft lại nhích lên cao hơn, với kỳ vọng từ Wedbush cho thấy công ty có khả năng tham gia câu lạc bộ 3 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2024 trong bối cảnh bùng nổ của trí tuệ nhân tạo.
Cổ phiếu của Meta Platform đã tăng mạnh 2,9% trước thềm ra mắt ứng dụng Thread của công ty, vốn được xem như đối thủ Twitter, vào đêm 5/7. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như Meta đã dẫn đầu đà phục hồi từ đầu năm đến nay trên Phố Wall, góp phần mang đến mức tăng nửa đầu năm lớn nhất của chỉ số Nasdaq trong 40 năm.
General Motors Company cũng chứng kiến cổ phiếu tăng 1% sau khi báo cáo doanh số bán xe mới trong quý hai cao hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, nhà sản xuất xe tải điện Nikola Corp cũng thông báo doanh số xe tải của họ đã tăng gấp đôi lên 66 chiếc trong quý hai, với số lượng bán buôn tăng từ 31 lên 45 chiếc, khiến cổ phiếu công ty vọt lên hơn 4%.
Cả Rivian Automotive Inc và Tesla Inc đều duy trì sắc xanh nhờ vào dữ liệu giao hàng tốt hơn mong đợi trong Quý 2.
Khoảng 10,3 tỷ cổ phiếu được trao tay trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn so với mức trung bình hàng ngày là 11,1 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Về khía cạnh kinh tế, trong dữ liệu được công bố vào 5/7, các đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất đã tăng ít hơn dự kiến trong tháng 5, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Cùng ngày, biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)mới công bố cho thấy gần như tất cả các thành viên Uỷ ban ủng hộ việc nối lại các đợt tăng lãi suất trong tương lai vì lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu 2%. Công ty nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics cho biết trong một lưu ý rằng hàng loạt dữ liệu dự kiến trong tuần này và tuần tới sẽ có khả năng xác định liệu Fed có tăng lãi suất trong tháng 7 hay không. Gần 90% các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 7, theo Công cụ giám sát lãi suất Fed của Investing.com.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu WTI của Mỹ đã tăng khoảng 3%, thu hẹp khoảng cách giá với dầu Brent chuẩn toàn cầu. Cụ thể, dầu thô WTI tăng 2 USD, tương đương 2,9%, lên mức 71,79 USD/thùng. Dầu thô Brent thêm 40 cent, tương đương 0,5%, lên 76,65 USD/thùng, sau khi tăng 1,60 USD/thùng vào một ngày trước đó. Cả hai điểm chuẩn đều đạt mức cao nhất trong gần hai tuần tại phiên giao dịch ngày 5/7.
Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - vào đầu tuần này đã tuyên bố gia hạn đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày đến tháng 8. Trong khi đó, Nga và Algeria cũng đang hạ mức sản lượng và xuất khẩu trong tháng 8 lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.
Bất chấp các tin tức cắt giảm sản lượng của OPEC+, Morgan Stanley vẫn hạ dự báo giá dầu, dự đoán thị trường sẽ dư thừa trong nửa đầu năm 2024 với nguồn cung tăng nhanh hơn nhu cầu trong năm tới.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy xu hướng suy giảm trong hoạt động của các nhà máy toàn cầu, phản ánh nhu cầu chậm chạp ở Trung Quốc và châu Âu. Sự chú ý của thị trường cũng tập trung vào lãi suất, với các ngân hàng trung ương phương Tây dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa để chế ngự lạm phát cao.