Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Dow Jones tăng 312,08 điểm (+0,78%) lên 40.524,79 điểm, S&P 500 thêm 42,61 điểm (+0,79%) thành 5.405,97 điểm và Nasdaq Composite leo 107,03 điểm (+0,64%) đạt 16.831,48 điểm.
Các nhà phân tích kỹ thuật đưa ra lưu ý rằng chỉ số S&P 500 hiện đang rơi vào mô hình "giao cắt tử thần" (death cross), một dấu hiệu cho thấy đợt điều chỉnh ngắn hạn có thể chuyển thành xu hướng dài hạn. Mô hình “giao cắt tử thần” xuất hiện khi đường trung bình 50 ngày giảm xuống dưới đường trung bình 200 ngày. Tuy tên gọi có vẻ tiêu cực, nhưng lịch sử cho thấy tín hiệu này không nhất thiết đồng nghĩa với việc thị trường sẽ còn giảm sâu hơn. Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã giảm khoảng 8%.
Chỉ số biến động CBOE, hay còn được gọi là “thước đo nỗi sợ” của Phố Wall, đã hạ xuống 30,89 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 3/4.
Vào thứ Sáu tuần trước, Mỹ đã công bố các miễn trừ thuế cho một số mặt hàng điện tử, nhưng mới đây Tổng thống Donald Trump lại cho biết ông sẽ công bố mức thuế mới đối với chip bán dẫn trong vòng một tuần tới.
Sự không chắc chắn về thuế quan trong tương lai đã ảnh hưởng đến tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, khiến các chỉ số chính kết thúc phiên dưới mức cao nhất trong ngày. Thị trường hiện vẫn còn nhiều băn khoăn về cách các công ty sẽ xử lý chuỗi cung ứng như thế nào khi dự kiến sẽ có thêm nhiều thay đổi về chính sách thuế.
Cổ phiếu ngành công nghệ nhìn chung tăng giá sau thông tin miễn trừ, đặc biệt là những công ty phụ thuộc vào nguồn hàng nhập từ Trung Quốc. Cổ phiếu Apple, nhà sản xuất iPhone, tăng 2,2%. Dell Technologies leo 4%, còn HP thêm 2,5%.
Trong khi đó, chỉ số ngành bán dẫn chỉ nhích nhẹ 0,3%, và cổ phiếu Nvidia, hãng sản xuất chip hàng đầu, giảm 0,2%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 18,2 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 18,7 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày gần nhất.
"Vấn đề lớn nhất hiện nay chính là sự bất định. Điều này khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư không thể lên kế hoạch hay cam kết chi tiêu dài hạn”, ông Jed Ellerbroek, nhà quản lý danh mục tại Argent Capital Advisors bình luận.
Trong tuần này, thị trường sẽ đón nhận nhiều báo cáo tài chính quan trọng từ các doanh nghiệp Mỹ, điển hình như Netflix và UnitedHealth Group. Theo giới phân tích, trước áp lực từ vấn đề thuế quan, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có thể hạn chế đưa ra quá nhiều dự báo kinh doanh cho tương lai. “Giờ đây ai cũng hiểu rằng tương lai sẽ rất khác so với quá khứ, và ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ rất dè dặt khi đưa ra cam kết gì đó”, ông Ellerbroek nói thêm.
Phố Wall sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).
GIÁ DẦU NHÍCH NHẸ
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ sau thông tin Mỹ miễn thuế với một số hàng điện tử và có dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, đà đi lên của giá bị kìm hãm phần nào bởi lo ngại rằng chiến tranh thương mại có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo nhu cầu nhiên liệu suy giảm.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 12 cent, tương đương 0,2%, lên 64,88 USD/thùng.
Dầu thô WTI của Mỹ tăng nhẹ 3 cent lên 61,53 USD/thùng. Kể từ đầu tháng, giá Brent và WTI đã giảm khoảng 10 USD/thùng.
Trên thực tế, các nhà phân tích đã hạ dự báo giá dầu do cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng căng thẳng. Goldman Sachs ước tính giá dầu Brent sẽ giữ bình quân ở mức 63 USD và WTI ở mức 59 USD/thùng trong phần còn lại của năm 2025. Sang năm 2026, mức giá trung bình dự kiến sẽ lần lượt là 58 USD với Brent và 55 USD với WTI.
Trong báo cáo mới đây từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2025, thấp hơn 150.000 thùng/ngày so với dự báo vào tháng trước, do ảnh hưởng từ tình hình thương mại.
“Việc OPEC cắt giảm dự báo nhu cầu toàn cầu là bằng chứng rõ nhất cho thấy thị trường đang đối mặt với triển vọng tiêu cực từ căng thẳng thuế quan và sự bất ổn nói chung”, ông John Kilduff, đối tác cấp cao tại Again Capital, nhận định.