Kết thúc phiên 22/11, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 426,16 điểm (+0,97%) đạt 44.296,51 điểm, S&P 500 thêm 20,63 điểm (+0,35%) lên 5.969,34 điểm và chỉ số Nasdaq Composite leo 31,23 điểm (+0,16%) thành 19.003,65 điểm.
Công nghệ là lĩnh vực dẫn đầu trong các nhóm ngành thuộc S&P 500, tăng 1,36%. Trong khi tiêu dùng thiết yếu giảm mạnh nhất, mất 0,69%.
Cổ phiếu Alphabet tiếp tục trượt 1,7% sau khi giảm 4% vào ngày trước đó vì tin tức Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra lập luận trước toà án liên bang rằng Alphabet đang ở thế độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.
Nvidia, biểu tượng của ngành trí tuệ nhân tạo, cũng mất 3,2% trong phiên giao dịch đầy biến động sau khi công bố dự báo kết quả kinh doanh quý.
Ngược lại, cổ phiếu Gap Inc nhảy vọt 12,8% khi công ty nâng dự báo doanh số cả năm và cho biết hoạt động mua sắm trong mùa lễ hội đang bắt đầu có nhiều tín hiệu tích cực.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,49 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,65 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trong tuần, chỉ số S&P 500 thêm 1,68%, Nasdaq leo 1,73%, còn Dow Jones tăng mạnh 1,96%.
Một chỉ số đo lường hoạt động kinh doanh đã đạt mức cao nhất trong 31 tháng vào tháng 11/2024 nhờ kỳ vọng lãi suất thấp hơn và các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của chính quyền Trump 2.0 vào năm tới.
Chỉ số Russell 2000, tập trung vào các công ty vốn hóa nhỏ, ghi nhận đà tăng vượt trội hơn (+1,8%) so với các chỉ số vốn hóa lớn. Tuần qua, chỉ số này đã tăng 4,3% và có thời điểm chốt phiên ở mức cao nhất trong hơn một tuần.
Kỳ vọng về động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 12 tiếp tục dao động giữa việc giữ nguyên hoặc cắt giảm lãi suất, đặc biệt là khi các nhà đầu tư đánh giá tác động tiềm tàng từ các kế hoạch của ông Trump đối với áp lực giá cả.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed sẽ hạ lãi suất cho vay thêm 0,25 điểm phần trăm hiện là 59,6%.
Các vấn đề địa chính trị quốc tế, cũng như việc ông Donald Trump hoàn thiện đội ngũ trong chính quyền của mình cũng là tâm điểm chú ý trong tuần này.
“Việc chúng ta có được một đà tăng ổn định, chậm rãi trong bối cảnh nhiều bất ổn là điều rất đáng khích lệ, cho thấy nhà đầu tư không hành động quá cảm tính”, ông Mark Hackett, Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Nationwide, nhận định.
GIÁ DẦU ĐẠT MỨC CAO NHẤT TRONG 2 TUẦN
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khoảng 1% vào thứ Sáu khi căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục leo thang. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 94 cent, tương đương 1,3%, lên 75,17 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,14 USD, tương đương 1,6%, lên 71,24 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng đều tăng khoảng 6% trong tuần này và chạm mức cao nhất kể từ ngày 7/11.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã công bố các biện pháp chính sách để thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu các sản phẩm năng lượng, giữa lúc lo ngại về lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Theo các nhà phân tích, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại vào tháng 11 này.
Điều tương tự cũng đang được thấy tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, khi nhu cầu tiêu dùng nội địa gia tăng, theo dữ liệu từ chính phủ.