Quán thanh xuân tháng 3: Cô gái đến từ hôm qua

Quán thanh xuân tháng 3 với chủ đề Cô gái đến từ hôm qua là một hành trình đầy cảm xúc về giấc mơ một thời thiếu nữ của những người phụ nữ ngày hôm nay. Dù thời gian có qua bao lâu, mỗi một phụ nữ khi nhìn lại mình của ngày hôm qua là ùa về cả trời ký ức.

Lên sóng đúng tối mùng 8 tháng 3 năm nay trên kênh VTV1, Quán thanh xuân chọn chủ đề này, cùng khán giả đi suốt một hành trình từ Cô gái đến từ hôm qua cho tới người mẹ người bà ngày hôm nay với những câu chuyện và những giai điệu đẹp nhất về người phụ nữ Việt.

Thanh xuân là em, cô gái của ngày hôm qua

Thời thiếu nữ luôn gây nên tiếc nuối bởi nó ngắn ngủi. Chỉ khi bước qua quãng đời ấy, người ta mới ý thức được vẻ đẹp không bao giờ trở lại một thời thiếu nữ.

Nhưng đã có những tâm hồn nghệ sĩ để neo giữ thanh xuân. Cũng là do những hình ảnh thanh nữ luôn tạo cảm hứng dạt dào cho các họa sĩ, văn nhân, thi sĩ…

Khách mời của Quán thanh xuân tháng 3 sẽ kể những câu chuyện lưu giữ thanh xuân này.

Nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng nói về sự nghiệp gắn với tà áo dài và những người phụ nữ mang cho ông cảm hứng để yêu trân trọng tà áo dài.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ cảm hứng khi làm bộ phim Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua.

Nhà báo - KOL mạng xã hội Hoàng Minh Trí sẽ cho khán giả biết trong mắt anh ranh giới thời thanh xuân với người phụ nữ phụ thuộc vào điều gì. Điều này chắc chắn thú vị bởi anh là tác giả của nhiều bài báo bàn về chuyện phụ nữ cần được yêu thương đồng thời có nhiều status về phụ nữ trên mạng xã hội được rất nhiều người quan tâm bởi sự hài hước.  

Trở thành mẹ & hành trình trưởng thành của Cô gái đến từ hôm qua

Sự biến đổi lớn nhất cả về tâm lý lẫn thể chất của người phụ nữ lại là thiên chức làm mẹ. Hạnh phúc làm mẹ là điều cao quý đáng để hy sinh cả tuổi thanh xuân.

Nhà văn Trần Thị Trường - người hiện đang rất hot trong làng văn nghệ sau triển lãm tranh cá nhân đầu tiên và tiểu thuyết Phố hoài. Chị kể với khán giả của Quán thanh xuân câu chuyện về những ước mơ thời thiếu nữ được gác lại khi trở thành người mẹ. Thời bao cấp chị Trường từng làm vô số công việc: may quần áo, phiên dịch, tổ chức biểu diễn, viết báo, viết văn ,... để gồng gánh gia đình. Những câu chuyện mà thế hệ hôm nay nghe như trong … cổ tích: Nuôi con phải có giấy chứng nhận mất sữa mới có phiếu mua 1 hộp sữa Ông Thọ; Phải quen mậu dịch viên mới đổi lấy 2 hộp sữa cho con, rồi mới nhận ra đã hết “đát”…

Diễn viên Bảo Thanh làm mẹ ở tuổi 20. Hành trình nuôi con và làm mẹ đồng nhất với hành trình trưởng thành. Bảo Thanh may mắn có sự hỗ trợ của 2 người mẹ nên cô đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Điều đó giúp cô thành công hơn trong những vai diễn về phụ nữ của mình. Thanh kể về vai diễn mà cô đồng cảm nhất trong các bộ phim Sống chung vưới mẹ chồng, Về nhà đi con...

Những góc khuất trong đời một người phụ nữ

Lịch sử của dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc trên thế giới gắn liền với những cuộc chiến tranh. “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là tác phẩm được giải Nobel văn chương 2015. Đây là một tuyển tập các câu chuyện về những trải nghiệm đau thương đầy cảm động của phụ nữ trong chiến tranh thế giới thứ hai, nơi hồi ức của họ vẫn là bãi chiến trường không hòa hoãn. Tác giả của cuốn sách nổi tiếng Quân khu Nam Đồng - nhà văn Bình Ca sẽ kể câu chuyện về những người phụ nữ có chồng đi qua các cuộc chiến tranh của dân tộc.

Nhà giáo Nguyệt Anh, giáo viên dạy văn của ngôi trường chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ kể câu chuyện làm vợ làm mẹ của chính những người phụ nữ trong gia đình mình. Bà nội chồng, mẹ chồng chị Nguyệt Anh đều là những người phụ nữ mẫu mực trong thời đại của họ. Mẹ chồng chị là chị gái liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý và là người lưu lại nhiều kỷ niệm về gia đình nổi tiếng của mình.

Nhà báo Hoàng Minh Trí chia sẻ trải nghiệm thực tế khi chứng kiến người mẹ của phạm nhân vào tù thăm con. Đây là nơi thấm thía câu nói "con dại cái mang" của dân gian.

Cô gái của ngày hôm qua và Cô gái của tương lai

Cuộc sống là mạch nối tiếp không ngừng của các thế hệ. Người mẹ nào cũng mong con mình trở thành một cá thể độc lập, mạnh mẽ và hạnh phúc trước khi tìm thấy tình yêu của mình. Ước mong lớn nhất của đời mẹ là con gái mình được hạnh phúc. Tuy nhiên, người mẹ Việt Nam hiện đại dường như không trói buộc con mình bằng những định nghĩa hạnh phúc hạn hẹp, nên các cô gái Việt Nam hôm nay được mẹ ủng hộ khi chọn những lối đi riêng của mình.

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam đạt nhiều thành công trong xã hội không thua gì nam giới. Vậy trong thời hiện đại, nhu cầu lớn nhất của phụ nữ là gì? Nữ quyền cần được hiểu như thế nào? Đâu là giới hạn của bình đẳng giới? Những câu hỏi đó sẽ được Quán thanh xuân tháng 3 giải đáp thông qua những chia sẻ giữa MC với các khách mời.

Quán thanh xuân tháng 3 khép lại với thông điệp: Mọi phụ nữ đều cần hạnh phúc. Và hạnh phúc của họ đơn giản là được tôn trọng, cảm thông và thật lòng yêu thương. Hãy giúp những người phụ nữ bên mình nuôi niềm đam mê để vui sống mỗi ngày như những mầm cây non cần nuôi sống.

Có thể bạn quan tâm