Hiện, các nghị sĩ trong Quốc hội Anh đã bỏ phiếu phản đối lời kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 15-/0 tới của Thủ tướng Boris Johnson. Ông Johnson chỉ nhận được 293/650 phiếu ủng hộ, chưa đạt mức 2/3 số phiếu cần thiết để đề xuất của ông được Quốc hội thông qua. Quốc hội Anh lần đầu bác bỏ đề xuất này của ông Johnson vào thứ tư tuần trước.
Phát biểu ý kiến tại Quốc hội trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu vào đêm 9/9, ông Johnson cho rằng, tổ chức bầu cử trước thời hạn là cách duy nhất để giải quyết thế bế tắc trong tiến trình Brexit của Anh hiện nay. Theo đúng kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Anh sẽ diễn ra vào năm 2022.
“Các đảng đối lập tuyên bố, họ sẽ không ủng hộ tiến hành bầu cử cho đến khi nước Anh trì hoãn hạn chót Brexit để bảo đảm rằng nước này sẽ không rời EU mà không có thỏa thuận đi kèm. Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ phải kéo dài thời hạn Brexit nếu London và Brussels không đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới. Trong khi đó, Thủ tướng Johnson vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm tiến hành Brexit đúng thời hạn.
Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho biết, ông sẽ từ chức vào cuối tháng tới sau một thập kỷ đảm nhiệm vị trí này. Ông Bercow nói trước Quốc hội rằng, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ tiến hành tổng tuyển cử sớm thì ông sẽ từ chức trước khi diễn ra chiến dịch vận động tranh cử. Ngược lại, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu phản đối thì ông sẽ từ chức vào ngày 31/10.
Cùng ngày, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện kế hoạch "Brexit cứng" vào ngày 31/10 tới. Luật này sẽ buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại khối trong ba tháng - tức là đến ngày 31/1/2020, nếu vào ngày 19/10 tới, Quốc hội Anh không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc không đồng ý rời EU không thỏa thuận.
>>