Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 18/12/2023, UBND huyện Hiệp Hòa đã ban hành quyết định thu hồi, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả 148,7 tỷ đồng cho 59,7 ha của 1.036 hộ dân thuộc dự án khu công nghiệp Hòa Phú phần mở rộng giai đoạn 1 (85ha). Đồng thời thực hiện kiểm kê đất và tài sản trên đất với diện tích là 16,6 ha.
Huyện đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận phòng cháy chữa cháy, Quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Hòa Phú tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hồ sơ nghiên cứu khả thi dự kiến được trình Bộ Xây dựng trong tháng 12/2023.
Tuy nhiên, công tác triển khai dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong xác minh nguồn gốc đất, chủ sử dụng, ranh giới diện tích đất để đền bù do nguồn gốc đất phức tạp, nhiều thửa đất không có giấy tờ, các hộ tự chuyển quyền cho nhau không làm thủ tục, chủ hộ chết…
Đối với tiến độ thực hiện dự án khu công nghiệp Yên Lư, đến nay đã bồi thường giải phóng mặt bằng 247,87ha trên 377 ha, đạt tỷ lệ 65,7%, với tổng kinh phí phê duyệt là 566,87 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khu công nghiệp và giao cho Công ty Cổ phần bất động sản Capella sử dụng là 125,07 ha.
Hiện đang thi công hệ thống đường giao thông, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, kè mương trên phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng. Tiến độ thi công trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 đạt 80% khối lượng. Tính tới nay, khu công nghiệp Yên Lư đã thu hút thành công 2 dự án.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, dự án khu công nghiệp Yên Lư còn gặp một số vướng mắc trong thống nhất nguồn gốc thửa đất; nhiều phần diện tích không có cơ sở lập phương án bồi thường; ranh giới đất không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc xác định hỗ trợ tài sản trên đất; một số người dân chưa đồng thuận về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng…
Cho ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, tầm quan trọng của dự án khu công nghiệp Yên Lư và dự án khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Tuấn đề nghị các địa phương cần xác định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng đầu việc, có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
"Thời điểm này là thời điểm rất thuận lợi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các địa phương cần tranh thủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng; tăng cường tuyên truyền các hộ đồng thuận di chuyển mộ trước Tết Nguyên đán", vị Phó Chủ tịch nêu.
Phấn đấu cơ bản hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng 2 dự án trong quý 1/2024. Tập trung hoàn thiện các thủ tục hành chính liên quan đến công tác giao đất cho chủ đầu tư, không làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết các thủ tục hành chính; đôn đốc chủ đầu tư, địa phương, cơ quan liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc được giao; thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư vào 2 khu công nghiệp. Định kỳ, báo cáo tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.