Rủi ro nào chờ đón trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất lên tới 18%/năm?

Mới đây, CTCP Tập đoàn Apec gây xôn xao dư luận khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất lên tới 18%/năm, gấp 3 lần lãi suất ngân hàng.
Rủi ro nào chờ đón trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất lên tới 18%/năm?

Theo bảng lãi suất tập đoàn này công bố, nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần, mức lãi suất nhận được sẽ là 15%/năm. Nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, nhận lãi một lần duy nhất vào cuối kỳ, mức lãi suất sẽ là 18%/năm, tương đương lợi nhuận 90% tại thời điểm đáo hạn

Hiện lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức 9,3%/năm, kỳ hạn bình quân các trái phiếu phát hành trong kỳ là 3,9 năm. Lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản quý II/2020 là 10,42%. Ngoài ra, lãi suất phát hành cao nhất thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm là 13,3%/năm của CTCP City Garden, tiếp theo là các lô phát hành với lãi suất 13%/năm của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt, CTCP Thủy điện Nậm La…

Với việc phát hành gói trái phiếu Happy18 Bond lãi suất 18%, CTCP Tập đoàn Apec  đã chính thức dẫn đầu nhóm trái phiếu bất động sản về lãi suất huy động. Và là trái phiếu bất động sản có lãi suất cao nhất thị trường hiện nay.

Theo ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc Apec Group, mục đích chính của đợt phát hành trái phiếu lần này là để doanh nghiệp có vốn đi mua, thâu tóm các dự án bất động sản, giá hợp lý, pháp lý đầy đủ.

"Lãi suất có cao nhưng tính theo vòng đời của 1 dự án thì hoàn toàn bình thường. Tiêu chí là ưu tiên dự án đã có pháp lý đầy đủ, có thể triển khai xây dựng và công tác bán hàng ngay trong thời gian sớm nhất (6 tháng - 12 tháng)", ông Huy cho biết.

Đưa ra quan điểm cá nhân về việc mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện đã lên tới 18%/năm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất 18% thì phải tạo ra lợi nhuận ít nhất 30%. Trong đó, trả cho trái chủ 18% và còn hơn 10% để trang trải chi phí khác. Thế nhưng, dự án bất động sản có thể có lợi nhuận đến 30% là vô cùng hiếm có.

Thực tế, ngoài ngân hàng, hầu hết các trái chủ còn lại chỉ có thể phân tích được khả năng trả lãi của doanh nghiệp nếu có báo cáo tài chính từ nhiều năm. Đối với các nhà phát hành riêng lẻ, không thông qua việc kiểm soát của UBCKNN cũng như cơ quan kiểm soát đang là một rủi ro cho hệ thống tài chính. “Nếu trái chủ không cẩn thận có thể mất số tiền đầu tư”, ông Hiếu cho biết.

Trong thời gian qua, việc siết chặt quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp kể từ ngày 1/9/2020 theo Nghị định 81 khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc phát hành trái phiếu trước thời điểm này nhằm kịp huy động vốn trước khi các điều kiện phát hành bị siết.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng này khi chạy đua phát hành trái phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng với các mức lãi suất hấp dẫn.

Đơn cử, chỉ trong tháng 7, Tập đoàn Novaland đã có 3 đợt phát hành khác nhau với tổng giá trị trái phiếu lên đến 1.420 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng. Sang đầu tháng 8, Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland liên tục thông qua các nghị quyết phát hành trái phiếu với tổng trị giá lên đến 2.500 tỷ đồng, mức lãi suất 10,6%.

Hay như CTCP Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam với hơn 5.300 tỷ đồng chia thành nhiều đợt phát hành, lãi suất bình quân 10,9%, kỳ hạn hơn 4 năm; Công ty Phú Mỹ Hưng phát hành 900 tỷ đồng với lãi suất 7,15%; Tập đoàn Sovico mới đây cũng phát hành 1.550 tỷ đồng....

Xem thêm

Trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn tăng mạnh

Trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn tăng mạnh

Mức chênh lệch lãi suất tiếp tục giãn rộng cùng với kho TPDN lớn do sự tăng trưởng mạnh mẽ quy mô phát hành từ đầu 2019 đến nay cùng với sự tham gia ngày càng tích cực của các ngân hàng, CTy Chứng khoán sẽ khiến thị trường TPDN thứ cấp vẫn sôi động.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...