Sàn thương mại điện tử Việt Nam nhập khẩu 4-5 triệu đơn hàng/ngày từ Trung Quốc

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, hàng ngày, lượng hàng hoá giá trị nhỏ nhập vào Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử trung bình khoảng 4-5 triệu đơn. Do đó, cần xem xét mở rộng nguồn thu đối với các đơn hàng nhỏ này...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chiều 17/6, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra nhưng được khấu trừ đầu vào, dự thảo Luật quy định cho phép áp dụng đối với nông lâm thuỷ sản chưa chế biến.

Hiện nay, việc chuyển nhượng dự án đầu tư và một số trường hợp khác cũng đang được áp dụng cơ chế tương tự. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ luận cứ và cơ sở pháp lý của các quy định này.

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT, dự thảo Luật sửa đổi quy định mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế VAT (theo quy định của Luật hiện hành) thành “dưới mức do Chính phủ quy định”.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế VAT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Về bổ sung quy định không thu thuế VAT đối với một số loại hàng hoá nhập khẩu, dự thảo Luật bổ sung quy định quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Mặc dù không được quy định trong Luật nhưng thực tế, việc miễn thuế VAT gắn với miễn thuế nhập khẩu hiện cũng được thực hiện đối với hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh (theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg).

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Đáng chú ý, tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung “công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài, trong khu phi thuế quan” và “hàng hoá cung cấp cho khách hàng nước ngoài khác theo quy định của Chính phủ” là hàng hoá xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

Đa số ý kiến cho rằng, “công trình xây dựng, lắp đặt” khó có thể xem là “hàng hoá xuất khẩu”. Ngoại trừ thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu sử dụng để xây dựng các công trình này khi được vận chuyển từ Việt Nam sang nước ngoài thì mặc nhiên đã là hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%, các dịch vụ đi kèm được xử lý theo cơ chế của dịch vụ xuất khẩu.

Vì vậy, đề nghị bỏ nội dung này và giải trình cụ thể về “hàng hoá cung cấp cho khách hàng nước ngoài khác theo quy định của Chính phủ” để làm rõ về tính phù hợp, trong trường hợp cần thiết cần quy định rõ trong Luật, không giao Chính phủ quy định.

Về dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, đa số ý kiến nhất trí với hướng sửa đổi.

Song, một số công ty tư vấn thuế, doanh nghiệp cho rằng, việc giới hạn các dịch vụ được hưởng thuế suất 0% sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu phi thuế quan và loại hình dịch vụ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như dịch vụ thanh toán, marketing, trung tâm hỗ trợ bán hàng, logistics…

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ những loại hình dịch vụ của doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng yêu cầu được cung cấp, thực hiện và tiêu dùng tại nước ngoài để có thể được xem là dịch vụ xuất khẩu, bảo đảm sự nhất quán về bản chất và nguyên tắc áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu.

Về việc sản phẩm cung cấp trên các nền tảng số được quy định không thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh quy định về điều kiện khấu trừ thuế đầu vào đối với các trường hợp này một cách phù hợp.

Về bổ sung đối tượng áp dụng thuế suất 5%, Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế VAT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này.

Một luồng ý kiến không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Do đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.

Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, một số nước trong khu vực ASEAN đã và đang tăng thuế suất VAT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự án Luật một cách phù hợp sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 2026-2030.

Với phương pháp tính thuế, đề nghị Chính phủ làm rõ định hướng về chính sách thu và chính sách quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Bởi nội dung dự thảo Luật không phù hợp nếu được áp dụng cho các nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số.

Quy định theo hướng này tạo ra sự bất bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước, làm mất nguồn thu ngân sách, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế VAT đối với các giao dịch số và là phương pháp tính thuế không thích hợp để áp dụng đối với các trường hợp không phát sinh thuế VAT đầu vào tại Việt Nam.

Xem thêm

Mừng vì lại giảm thuế giá trị gia tăng

Mừng vì lại giảm thuế giá trị gia tăng

Quốc hội chính thức chốt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% kể từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. Trong bối cảnh đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023, đây là chính sách được người dân cũng như doanh nghiệp mong chờ, nhằm giải tỏa ngay lập tức vấn đề về giá cả đang kìm kẹp nhu cầu tiêu dùng thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...