Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024 với những con số tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, luỹ kế 4 tháng đầu năm 2024, PNJ mang về 16.049 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 6,5% lên mức 915 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh của từng kênh, doanh thu trang sức bán lẻ trong 4 tháng năm 2024 tăng 12,4% so với cùng kỳ. Kết quả này đạt được do PNJ tung ra nhiều bộ sưu tập mới phù hợp thị hiếu khách hàng, triển khai nhiều chiến dịch marketing và chương trình bán hàng hiệu quả. Các chương trình này giúp thu hút nhiều khách hàng mới và tăng cường tỷ lệ khách hàng cũ quay lại.
Bên cạnh đó, doanh thu trang sức bán sỉ cũng tăng 9,3%. Đáng chú ý, doanh thu vàng 24K trong 4 tháng năm 2024 tăng 79,9% so với cùng kỳ nhờ sự sôi động của thị trường vàng 24K.
Mặc dù doanh thu khả quan nhưng biên lợi nhuận gộp trung bình 4 tháng năm 2024 của PNJ chỉ đạt 17%, giảm so với mức 19,1% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh lẻ, cơ cấu doanh thu, sự biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác.
Tổng chi phí hoạt động 4 tháng đầu năm 2024 tăng 29,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp tăng từ mức 52% lên mức 57% do sự thay đổi về hành vi mua sắm của khách hàng làm ảnh hưởng đến cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo PNJ đã trình cổ đông mục tiêu doanh thu năm 2024 là 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2023. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng. Đây đều là những con số kỷ lục đối với doanh nghiệp này. Như vậy, kết thúc quý 4 tháng đầu năm 2024, PNJ đã hoàn thành 43,2% kế hoạch doanh thu và 43,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, quy mô tài sản của PNJ đạt hơn 12.968 tỷ đồng, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với 11.535 tỷ đồng, còn lại 1.433 tỷ đồng là tài sản dài hạn.
Tổng số nợ phải trả là 2.494 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 2.485 tỷ đồng, nợ dài hạn chiếm 9,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty tính đến hết quý 1/2024 đạt khoảng 10.474 tỷ đồng, tăng 6,8% so với số đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 20/5, cổ phiếu PNJ đóng cửa ở mức 97.400 đồng/ cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của doanh nghiệp trang sức này trên thị trường đạt khoảng 32.586 tỷ đồng.
Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), mặc dù doanh thu bán lẻ trong quý 1/2024 của PNJ có dấu hiệu phục hồi sớm, nhưng mức tăng trưởng chủ yếu đến từ mạng lưới cửa hàng lớn hơn, trong khi doanh thu bán lẻ của các cửa hàng hiện tại chỉ tăng một con số.
Với sự phục hồi chậm của doanh thu bán lẻ trong quý 1/2024, SSI Research cho rằng PNJ ưu tiên giành thị phần trong quý vừa qua, điều này lý giải cho lợi nhuận ròng gần như đi ngang mặc dù doanh thu tăng trưởng ổn định.
Tuy nhiên, nhóm phân tích SSI Research kỳ vọng mức tiêu thụ trang sức sẽ phục hồi rõ nét hơn vào cuối năm, giúp PNJ có thể tăng giá bán trong các quý tới và từ đó cải thiện biên lợi nhuận gộp. Từ đó, PNJ có thể tăng giá bán nhờ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ trang sức.
Ngoài ra, PNJ thường xuyên tung ra các bộ sưu tập trang sức mới, theo đó công ty có thể sẽ tăng giá bán để bù đắp mức tăng của giá vàng.
Do đó, SSI Research dự báo lợi nhuận của PNJ sẽ quay trở lại tăng trưởng dương từ quý 2/2023. “Hiện tại, chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 - 2025 của PNJ lần lượt là 2,22 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và 2,57 nghìn tỷ đồng, tăng 16%”, SSI Research nhận định.
Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 - 2025 được thúc đẩy bởi sự phục hồi của nhu cầu trang sức bên cạnh việc mở rộng mạng lưới (48, 35 và 40 cửa hàng mới vào năm 2023, 2024 và 2025).
Với P/E mục tiêu không đổi là 17x theo ước tính lợi nhuận năm 2024 - 2025, đội ngũ phân tích SSI Research đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho PNJ là 112.000 đồng. Với tiềm năng tăng giá là 18%, SSI Research duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PNJ.