Sau 6 tháng, loạt doanh nghiệp đã "cán đích" mục tiêu lợi nhuận năm 2024

Theo thống kê, nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 6 tháng nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lãi lớn nhờ thanh lý, bán tài sản…

bao-cao-tai-chinh-la-gi-1428.jpeg

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã vẽ nên một bức tranh tài chính đa sắc màu. Trong nửa đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái, "cán đích" mục tiêu đề ra nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp báo lãi lớn nhờ vào các khoản thu nhập bất thường như thanh lý tài sản hoặc các giao dịch không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi.

VƯỢT KẾ HOẠCH NHỜ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KHỞI SẮC

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán: PLX) là một trong những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực kỳ vừa qua.

Cụ thể, trong quý 2/2024, Petrolimex thu về 73.836 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12,3% so với cùng kỳ nhờ hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 4.621 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,5%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính và các mảng chi phí đều không có sự biến động đáng kể so với cùng kỳ. Sau cùng, Petrolimex lãi sau thuế 1.274 tỷ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex “bỏ túi” 148.943 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.944 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 11,8% và 54,8% so với cùng kỳ.

Năm 2024, Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu hợp nhất đạt 188.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 26% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, chỉ sau 6 tháng đầu năm, “ông lớn” xăng dầu này đã thực hiện được khoảng 79,2% mục tiêu doanh thu và vượt 1% mục tiêu lợi nhuận đặt ra.

Đồng pha với kết quả kinh doanh của Petrolimex, một doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí là Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas – mã chứng khoán: GAS) cũng có một kỳ kinh doanh khởi sắc. Theo đó, trong kỳ vừa qua, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.052 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng 32,1% lên hơn 5.700 tỷ đồng.

Lãi gộp tăng mạnh, nhưng biến động ở các chỉ tiêu khác đã thu hẹp lợi nhuận của PV Gas. Trong đó, doanh thu tài chính đi lùi 25,7%, còn 444,7 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng mạnh lên 229 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ, do lỗ chênh lệch tỷ giá.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng vọt lên 1.180 tỷ đồng, gấp 3,9 lần cùng kỳ, chủ yếu do ghi nhận hơn 815 tỷ đồng chi phí dự phòng (cùng kỳ chỉ hơn 100 tỷ đồng).

Kết quả, PV Gas thu về 3.416 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 6,9% so với quý 2/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 53.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.960 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và giảm 9,9% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, "ông lớn" ngành khí Việt Nam đã thực hiện 75% kế hoạch doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

anh-chup-man-hinh-2024-08-07-luc-222238-5650.png

Ở lĩnh vực hàng không, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines – mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 24.629 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh giá vé tăng cao do các hãng thiếu hụt tàu bay. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác đường bay tại các thị trường quốc tế cũng hồi phục tích cực, quay về gần như trước dịch Covid-19.

Kỳ này, khoản chi phí lớn nhất của Vietnam Airlines là chi phí tài chính tăng 94% lên 1.429 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá (740 tỷ đồng). Tuy nhiên, Vietnam Airlines lại ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 904 tỷ đồng. Khoản mục này của công ty có nhờ việc được xóa nợ. Kết quả, hãng hàng không quốc gia báo lãi sau thuế 1.034 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.348 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần Vietnam Airlines đạt 52.594 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế mang về 5.476 tỷ đồng, do nửa đầu năm ngoái lỗ 1.386 tỷ đồng.

So với mục tiêu doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.233 tỷ đồng, hãng bay đã vượt 29% kế hoạch lợi nhuận năm 2024 chỉ sau hai quý.

Dù có kết quả kinh doanh khả quan nhưng tính tới 30/6/2024, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ luỹ kế 35.812 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 11.533 tỷ đồng.

Trước đó, một hãng hàng không khác là Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) đã công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm. Cụ thể, Vietjet đạt 34.016 tỷ đồng doanh thu và 1.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, vượt 21% so với kế hoạch năm.

Với kết quả trên, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2024 là 3.687 tỷ đồng.

Trong quý 2/2024, các doanh nghiệp phân bón cũng đồng loạt báo lãi lớn và vượt kế hoạch lợi nhuận năm. Điển hình, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán: BFC) báo cáo doanh thu thuần đạt 2.916 tỷ đồng, tăng 25%. Giá vốn được tiết giảm khiến lợi nhuận gộp đạt 488,7 tỷ đồng, tăng 88,8% so với cùng kỳ.

Khấu trừ chi phí, Phân bón Bình Điền báo lãi sau thuế 190,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với quý 2/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận gần 4.856 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 32% và lãi trước thuế 325,1 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp thực hiện được 68% kế hoạch doanh thu và vượt gần 55% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tương tự, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – mã chứng khoán: DCM) ghi nhận 6.607 tỷ đồng doanh thu thuần và 919,3 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 9,6% và 69,5% so với cùng kỳ năm 2023. Năm nay, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lãi sau thuế 794,8 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau 6 tháng, Đạm Cà Mau đã vượt 15,7% kế hoạch năm.

“NGƯỢC DÒNG” BÁO LÃI NHỜ CHUYỂN NHƯỢNG, THANH LÝ TÀI SẢN

Mặc dù việc doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận vượt kế hoạch có thể tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng đánh giá triển vọng kinh doanh thực sự. Bởi nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả khả quan nhưng không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà từ các khoản lợi nhuận đột biến hoặc các yếu tố ngoại lệ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 vừa công bố, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán: HBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, dù doanh thu đi lùi, giá vốn hàng bán của công ty này lại tăng gần 10%, qua đó thu hẹp lãi gộp xuống còn gần 100 tỷ đồng, giảm 64%. Biên lãi gộp cũng vì thế mà giảm từ 17% xuống 4,6%.

Kỳ vừa rồi, doanh thu tài chính của Hòa Bình đã tăng gấp đôi, chủ yếu nhờ chuyển nhượng thành công Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (công ty thành viên) và Công ty Cổ phần Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (công ty liên kết).

Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 270 tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của nhà thầu xây dựng này.

Theo lý giải từ ban lãnh đạo, phần lớn mức cải thiện kết quả kinh doanh quý vừa qua là nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm do hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng phải thu. Trong quý 2, tập đoàn liên tục tăng thu nợ khách hàng trong khi chi phí lương và các chi phí liên quan giảm nhờ tái cơ cấu thành công.

Xây dựng Hòa Bình cũng ghi nhận gần 515 tỷ đồng lợi nhuận khác nhờ bán máy móc thiết bị ra bên ngoài. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tập đoàn tăng 10% lên 3.811 tỷ đồng và lãi sau thuế 740,9 tỷ đồng, vượt 71% mục tiêu lợi nhuận năm.

Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán: VOS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 79,6% so với cùng kỳ. Cùng chiều doanh thu, giá vốn hàng bán tăng 87,2%, lên mức 1.895 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp âm 23 tỷ đồng. Chưa kể, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng bị đội lên, đẩy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 48,5 tỷ đồng.

Mặc dù lỗ từ hoạt động kinh doanh thuần, song Vosco lại ghi nhận khoản thu nhập khác tăng gần 393 tỷ đồng trong quý vừa qua. Theo giải trình, trong quý 2, doanh nghiệp đã thu về khoảng 400 tỷ đồng từ việc bán tàu Đại Minh cho đối tác.

Việc có một khoản tiền lớn đã giúp doanh nghiệp hàng hải này này khép lại kỳ kinh doanh quý 2/2024 với một kết quả tích cực, khi lợi nhuận sau thuế đạt 283,9 tỷ đồng, tăng 262 lần so với quý 2/2023.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Vosco mang về 2.965 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, hoạt động vận tải biển chiếm hơn 40%, tương ứng 1.187 tỷ đồng. Phần doanh thu 1.778 tỷ đồng còn lại đến từ lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2024 đạt 427,2 tỷ đồng, tăng 404% so với cùng kỳ.

blue-photo-modern-listing-presentation-6-3743.png

Việc chuyển nhượng tài sản , bán công ty con tiếp tục được nhiều doanh nghiệp thực hiện để hỗ trợ dòng tiền. Trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán: SRC), doanh nghiệp chuyên kinh doanh săm lốp nhưng báo lãi tăng mạnh nhờ… bất động sản.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 2/2024 của Cao su Sao Vàng chỉ đạt 7,1 tỷ đồng, thấp hơn 5,4% so với cùng kỳ. Song lãi ròng lại tăng vọt lên mức cao kỷ lục 113,8 tỷ đồng, gấp 18,5 lần quý 2/2023. Nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ thực hiện chuyển nhượng quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền với đất, ghi nhận 306 tỷ đồng vào thu nhập khác.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu đạt 503,1 tỷ đồng, tăng 5,4% và lợi nhuận trước thuế ở mức 182,2 tỷ đồng, gấp 13,4 lần cùng kỳ, lãi ròng đạt 117 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.

Năm 2024, doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu ở mức 2.000 tỷ đồng, tăng 62% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, đóng góp chủ đạo từ hoạt động thương mại 1.030 tỷ đồng, còn lại 970 tỷ đồng đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 dự kiến đạt 100 tỷ đồng, cao hơn 255% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Như vậy chỉ sau nửa năm, Cao su Sao Vàng đã vượt 82% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2024, tuy nhiên mới thực hiện được 25% chỉ tiêu doanh thu.

Có thể thấy, những khoản thu nhập từ thanh lý tài sản, chuyển nhượng cổ phần đã đóng góp không nhỏ vào việc ghi nhận lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nguồn thu này thường mang tính chất tạm thời và không bền vững, chỉ như những giải pháp “cứu cánh” trong thời điểm kinh doanh khó khăn.

Do đó, để duy trì sự tăng trưởng bền vững và ổn định trong thời gian dài, doanh nghiệp cần tập trung vào việc tối ưu hóa hiệu quả từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Chỉ khi doanh thu từ các hoạt động chủ chốt đạt được sự ổn định và phát triển, doanh nghiệp mới có thể xây dựng nền tảng vững chắc và tránh phụ thuộc vào những yếu tố ngắn hạn.

Xem thêm

Doanh nghiệp hàng không: Chuyển mình sau cơn bão

Doanh nghiệp hàng không: Chuyển mình sau cơn bão

Nhóm ngành hàng không có thể tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tăng. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn còn được hỗ trợ bởi sân bay Long Thành...

Các "ông lớn" bán lẻ đua báo lãi khủng

Các "ông lớn" bán lẻ đua báo lãi khủng

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ - tiêu dùng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ…

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Sau thời gian gặp khó khăn, ngành thép đang phục hồi mạnh mẽ bởi sự khởi sắc của thị trường bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng, mở ra triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn trong các quý còn lại của năm 2024…

Có thể bạn quan tâm