Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của các doanh nghiệp dầu khí vẽ nên một bức tranh đa sắc màu, với nhiều công ty đạt mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, trong khi một số khác lại chứng kiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các dự án đầu tư thượng nguồn sẽ mở ra những cơ hội tăng trưởng dài hạn cho ngành dầu khí.
NHIỀU ÔNG LỚN "BỘI THU”
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán: PLX) là một trong những doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực kỳ vừa qua.
Cụ thể, trong quý 2/2024, Petrolimex thu về 73.836 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 4.621 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,5%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính và các mảng chi phí đều không có sự biến động đáng kể so với cùng kỳ. Sau cùng, Petrolimex lãi sau thuế 1.274 tỷ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex “bỏ túi” 148.943 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.407 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 11,8% và 54,5% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu hợp nhất đạt 188.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 26% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, chỉ sau 6 tháng đầu năm, “ông lớn” xăng dầu này đã thực hiện được khoảng 79,2% mục tiêu doanh thu và vượt 1% mục tiêu lợi nhuận đặt ra.
Đồng pha với kết quả kinh doanh của Petrolimex, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas – mã chứng khoán: GAS) cũng có một kỳ kinh doanh khởi sắc. Theo đó, trong kỳ vừa qua, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.052 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 32,1%.
Lãi gộp tăng mạnh, nhưng biến động ở các chỉ tiêu khác đã thu hẹp lợi nhuận của PV Gas. Trong đó, doanh thu tài chính đi lùi 25,7%, còn 444,7 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng mạnh lên 229 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ, do lỗ chênh lệch tỷ giá.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng vọt lên 1.180 tỷ đồng, gấp 3,9 lần cùng kỳ, chủ yếu do ghi nhận hơn 815 tỷ đồng chi phí dự phòng (cùng kỳ chỉ hơn 100 tỷ đồng).
Kết quả, PV Gas thu về 3.416 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 6,9% so với quý 2/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 53.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.960 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và giảm 9,9% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, "ông lớn" ngành khí Việt Nam đã thực hiện 75% kế hoạch doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/6/2024, PV Gas có đến hơn 43.900 tỷ đồng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn), tăng hơn 3.000 tỷ so với thời điểm đầu năm. Đây là lượng tiền mặt lớn nhất PV Gas từng nắm giữ tại ngày cuối quý kể từ khi hoạt động.
Với lượng tiền khổng lồ nêu trên, PV Gas vẫn giữ ngôi "vua" tiền mặt trên sàn chứng khoán quý 2/2024.
Còn Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVB) ghi nhận mức doanh thu thuần 64 tỷ đồng, tăng 22,3% so với doanh thu quý 1/2023. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ bọc ống dầu đạt 51,5 tỷ đồng, tăng 47,4% và doanh thu từ dịch vụ khác là 12,4 tỷ đồng, giảm 28,4%.
Sau khi trừ các chi phí quản lý doanh nghiệp, thuế, bán hàng, chi phí tài chính, Bọc ống Dầu khí báo lãi sau thuế 5,1 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng gấp 2,2 lần so với mức 2,3 tỷ đồng cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Bọc ống Dầu khí mang về 187,2 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 3,5 lần so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt 25,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 4,8 tỷ đồng.
So với kế hoạch doanh thu 210 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2,28 tỷ đồng mà Bọc ống Dầu khí đặt ra từ đầu năm, công ty đã hoàn thành 89,1% chỉ tiêu doanh thu và vượt qua mục tiêu lợi nhuận đề ra.
KHÔNG ÍT DOANH NGHIỆP “ĐI LÙI”
Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC – mã chứng khoán: PVS), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.577 tỷ đồng, cao hơn 18,4% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của PTSC đạt 230,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 23,2%.
Tuy nhiên, các chi phí trong kỳ đều tăng so với quý 2/2203, trong đó chi phí tài chính tăng 102,7% lên mức 30,3 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng đạt 20,4 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt hơn 308 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 32,6%.
Sau cùng, PTSC lãi ròng 207,9 tỷ đồng trong quý 2/2024, thấp hơn 11,5% so với con số 235,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty mang về 9.287 tỷ đồng doanh thu và 512,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 10,4% và 10,8% so với cùng kỳ.
Năm 2024, PTSC đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 660 tỷ đồng. Với kết quả trên, PTSC đã hoàn thành 61,9% mục tiêu doanh thu và 77,6% mục lợi nhuận cả năm.
Tương tự, trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí Dầu khí (PV Drilling – mã chứng khoán: PVD) ghi nhận mức doanh thu tăng 60% so với cùng kỳ, đạt 2.253 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của PV Drilling đạt 39,6 tỷ đồng, cao gấp 9 lần mức 4,4 tỷ đồng cùng kỳ do lãi chênh lệch tỷ giá tăng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tăng đến 69%, lên mức 133,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng hơn 8%, đạt 150,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản thu nhập khác trong quý 2 của PV Drilling giảm 83,6%, về còn 11,5 tỷ đồng do không còn ghi nhận khoản tiền phạt thu được so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải chịu một khoản lỗ khác lên đến 11,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 54 tỷ đồng. Khoản lỗ này không được thuyết minh cụ thể.
Kết quả, PV Drilling báo lãi sau thuế 129,9 tỷ đồng trong quý 2/2024, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận Công ty mẹ đạt 135,8 tỷ đồng, giảm 15,8%.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi, Công ty Cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) ghi nhận lợi nhuận ròng chỉ đạt 768,5 tỷ đồng, giảm 42,1% so với quý 2 năm ngoái. Lọc hoá Dầu Bình Sơn giải thích nguyên nhân do trong tháng 3 và tháng 4/2024, nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trong quý 2, giá dầu thô và sản phẩm biến động phức tạp, khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm cũng giảm so với cùng kỳ khiến kết quả sản xuất kinh doanh quý 2/2024 thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL – mã chứng khoán: OIL) ghi nhận doanh thu tăng mạnh 55,7% lên 34.755 tỷ đồng. Cùng chiều doanh thu, giá vốn cũng tăng 51,3%, đạt 33.675 tỷ đồng. Kéo theo đó, lãi gộp của OIL đạt 1.080 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước.
Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 28,6% còn 169,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 40,6% lên 145,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng neo cao ở mức 721 tỷ đồng, tăng 10,3%.
Sau cùng, lãi ròng quý 2/2024 của PV OIL “bốc hơi” gần một nửa, chỉ còn 93,9 tỷ đồng. PV OIL cho rằng, nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty đi lùi là do thời gian điều hành giá cơ sở được điều chỉnh từ 10 ngày/lần (quý 2/2023) xuống còn 7 ngày/lần (quý 2/2024) đã khiến tốc độ giảm giá bán nhanh hơn. Bên cạnh đó, tỷ giá trong quý 2/2024 tăng cao hơn so với cùng kỳ, khiến chi phí tài chính tăng lên do lỗ tỷ giá. Những yếu tố trên đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp đi lùi.
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí cũng có sự “thụt lùi” về kết quả kinh doanh, thậm chí báo lỗ. Cụ thể, Tổng Công ty Hoá chất và Dịch vụ Dầu khí (PVCHEM, mã chứng khoán: PVC) đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 giảm 19,7% so với cùng kỳ, còn 4,6 tỷ đồng. Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (mã chứng khoán: PVT) báo cáo lãi ròng đạt 369,5 tỷ đồng, giảm 8,9%. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí (mã chứng khoán: PTV) còn ghi nhận lỗ ròng hơn 453 triệu đồng trong quý 2/2024.
NHÓM THƯỢNG NGUỒN VÀ TRUNG NGUỒN DỰ BÁO “SÁNG CỬA”, NHÓM HẠ NGUỒN KÉM KHẢ QUAN
Đánh giá về triển vọng hoạt động ngành dầu khí nửa cuối năm, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng nhóm thượng nguồn có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực và còn dư địa tăng giá cổ phiếu; nhóm trung nguồn có yếu tố cơ bản thuận lợi nhưng thị giá đã dần phản ánh triển vọng tăng trưởng; còn nhóm hạ nguồn dự báo có kết quả kinh doanh kém khả quan.
Đại diện cho nhóm thượng nguồn là PVD và PVS. Trong đó, PVD có triển vọng tươi sáng nhờ cung cầu giàn khoan toàn cầu thuận lợi giúp hỗ trợ giá cước cho thuê, giàn khoan mới kỳ vọng đi vào hoạt động từ quý 1/2025 và thị trường E&P nội địa kỳ vọng sôi động từ 2024 giúp mảng dịch vụ kỹ thuật giếng tăng trưởng mạnh.
Với PVS, doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng của mảng M&C nhờ các dự án lớn trong giai đoạn 2024-2028, tiềm năng trúng các gói thầu Fso/FPSO cho các dự án nội địa sắp tới và tiềm năng ghi nhận thêm backlog và cải thiện biên lãi gộp cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Theo KBSV, thị giá hiện tại của PVD và PVS vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Công ty chứng khoán này kỳ vọng các chỉ số định giá của 2 doanh nghiệp sẽ được đánh giá lại do ngành dầu khí thế giới và tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau giai đoạn 10 năm trầm lắng.
Đại diện cho nhóm trung nguồn là cổ phiếu PVT của Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã chứng khoán: PVT). Theo đó, PVT sẽ có động lực tăng trưởng từ kế hoạch mở rộng đội tàu tới năm 2025, mảng tàu dầu thô quốc tế có thể bù đắp sự suy giảm sản lượng nội địa do nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng và mảng tàu hóa chất/thành phẩm hưởng lợi từ căng thẳng tại kênh đào Suez.
“Chúng tôi đánh giá cao triển vọng kết quả kinh doanh của PVT cho 2024, tuy nhiên giá cổ phiếu hiện tại đã dần phản ánh triển vọng tăng trưởng dài hạn của cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chờ các nhịp điều chỉnh để giải ngân với PVT”, các chuyên gia của KBSV cho biết.
Đại diện cho nhóm hạ nguồn, phân khúc được dự báo kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2024, Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS) bị ảnh hưởng bởi triển vọng tiêu thụ khí khô tiêu cực trong khi nguồn thu từ dự án LNG là chưa đáng kể trong năm 2024. Điểm sáng trong triển vọng đầu tư đối với GAS nằm ở mức tỷ suất cổ tức cao đột biến 7,4%. Tuy nhiên KBSV không kỳ vọng mức cổ tức này có thể duy trì trong dài hạn.
Với Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR), doanh nghiệp này bị tác động tiêu cực bởi kỳ bảo dưỡng lớn nhà máy lọc dầu Dung Quất khiến sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 12% và biên lọc dầu các sản phẩm chủ lực suy giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, việc nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể nâng công suất tối đa lên mức 114% công suất thiết kế sau kỳ bảo dưỡng và mức nền kết quả kinh doanh thấp trong năm 2024 hứa hẹn có thể tạo ra tăng trưởng lớn cho BSR từ quý 1/2025.
KBSV cho rằng BSR và GAS sẽ vẫn là các cổ phiếu tốt trong dài hạn nếu có mức giá điều chỉnh đủ sâu.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng của nhóm thượng nguồn. Theo đó, BVSC cho rằng hoạt động thăm dò và khai thác trong nước đang thúc đẩy các doanh nghiệp dầu khí ở nhóm thượng nguồn.
Trong bối cảnh suy giảm sản lượng khai thác dầu khí, cùng với việc giá dầu đang được neo ở mức cao, BVSC cho rằng hoạt động đầu tư thăm dò, tìm kiếm các mỏ mới trong giai đoạn này là rất cần thiết. Ước tính giá trị đầu tư trung bình trong 10 năm tới (dựa trên các dự án đã có số liệu đầu tư ước tính) là khoảng 1,3 tỷ USD/năm, gấp đôi giá trị đầu tư trung bình trong 6 năm trước đây.
Bên cạnh các dự án hiện tại, ngày 6/5/2024 vừa qua, PVN công bố 2 phát hiện dầu khí mới ở giếng R79, mỏ Rồng thuộc Lô 09/01 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster thuộc lô PM3 CAA. Trong đó, giếng BA-1X đã được khoan thành công và đưa vào khai thác ngay. Theo BVSC, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng các dự án mới sẽ đem lại triển vọng tích cực đối với các công ty thượng nguồn như PVD, PVS.
Về nhu cầu dầu khí trong các năm tới, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS Research) dự báo, nhu cầu xăng dầu sẽ duy trì tăng trưởng trong dài hạn trung bình 5%/năm trong giai đoạn đến 2030. Với xu thế của chuyển dịch năng lượng, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ hướng tới các nguồn năng lượng xanh sạch, ít phát thải ra môi trường nên sẽ hạn chế năng lượng hóa thạch như than đá, xăng dầu. Tuy nhiên, năng lượng hóa thạch vẫn đóng vai trò quan trọng cho sản xuất điện, nhiên liệu đốt và vận chuyển.
Cùng với đó, nhu cầu khí thiên nhiên sẽ tăng mạnh trong giai đoạn chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhu cầu khí cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp, dự báo tăng trưởng 7,8%/năm giai đoạn 2020 - 2025 và 13,3%/năm giai đoạn 2025 - 2030.