Sau cuộc thanh lọc, thị trường vốn đầy tiềm năng trong năm 2023

Việc thị trường vốn bị kiểm soát chặt hơn cũng phần nào hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng...
Sau cuộc thanh lọc, thị trường vốn đầy tiềm năng trong năm 2023

Sau 2 năm đình trệ tăng trưởng do tình hình dịch bệnh phức tạp, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và biến động khó lường. Các mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra bị thử thách bởi nhiều biến cố quốc tế.

Không những vậy, các yếu tố trong nước cũng rơi vào tình trạng bất lợi. Một loạt các sai phạm về thị trường chứng khoán và thị trường tài sản đã làm sụt giảm thanh khoản thị trường, siết chặt các kênh vốn và làm xáo trộn tâm lý thị trường.

Mặc dù phải đối mặt với các khó khăn, thế nhưng bức tranh vĩ mô Việt Nam trong năm 2022 vẫn có nhiều điểm sáng như GDP tăng 8,02%; chỉ số CPI tăng 3,15%; thặng dư thương mại đạt 10,68%; tổng thu ngân sách lên mức 126,4% dự toán.

Sóng gió còn kéo dài

Nói thêm về các yếu tố trong nước. Thị trường vốn năm 2022 đã chững lại bởi một loạt các sai phạm mang tính dân sự và hình sự. Sự đổ vỡ hàng loạt này làm dấy lên hoài nghi về tính hiệu quả của các quy định pháp lý với các kênh vốn chính. Do đó, một số thông tư đã được đưa ra nhằm nắn lại dòng vốn của thị trường.

Cụ thể, kênh vốn tín dụng chịu tác động từ Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng, thông tư 39/2016/TT- NHNN không cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai.

Một số quy định khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng như quy hoạch điện 8. Sự chậm trễ trong phê duyệt đề án đã đẩy nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo phải hoạt động dưới công suất và suy giảm dòng tiền do bị nợ tiền bán điện từ EVN.

Tại thị trường vốn khác là trái phiếu doanh nghiệp, nghị định 65/2022/NĐ-CP yêu cầu chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn nhà đầu tư và trách nhiệm các bên liên quan. Các chính sách mới đã gây ảnh hưởng lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi hoạt động phát hành trong năm chỉ bằng 36,29% tổng giá trị năm 2021.

Kênh trái phiếu doanh nghiệp của thị trường vốn
Năm 2022, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới giảm mạnh trong khi lượng mua lại tăng nhanh chóng

Trong báo cáo vừa công bố gần đây, FiinRatings ước tính lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024 với gần 500 nghìn tỷ đồng. Theo đó, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.

Về lãi suất toàn cầu năm 2023, FED đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào kỳ họp tháng 2, tương đương với việc đưa lãi suất tham chiếu lên mức 4,5% - 4,75%. Dữ liệu kinh tế tháng 12/2022 của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương và lao động đã chậm lại và chỉ số giá PCE lõi giảm còn 4,4%, song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Đây là cơ sở để FED tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt trong ít nhất quý 1/2023 và duy trì ở mức này đến hết năm.

Hiện tại, cuộc đua giữa các ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất cho vay lên 11,6%/năm, nhờ đó xu hướng găm giữ USD đã có sự đảo chiều. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của FiinRatings cũng lưu ý thêm, thu hút FDI đăng ký mới và xuất khẩu đuối dần ở nửa cuối năm 2022 khi các thị trường lớn giảm tốc cũng khiến triển vọng lãi suất 2023 khó khăn hơn.

Trong nguy có cơ

Sóng gió là vậy, còn tiếp tục kéo dài. Thế nhưng, nhìn về khía cạnh tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn.

Đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia. Bởi lẽ, việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng.

Mặt khác, các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới.

Nhìn chung, loạt vi phạm vừa qua đã gây tâm lý xáo trộn không đáng có, song cũng giúp thành phần tham gia hiểu rõ hơn về các vấn đề của thị trường. Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ bởi các quy định mới, trong đó yêu cầu đơn vị phát hành, định chế trung gian công bố thông tin về tình hình tài chính và hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp. Tình hình minh bạch thông tin sẽ được cải thiện dần với sự phát triển của hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung vào năm sau, và cơ sở nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các định chế tài chính.

Tăng trưởng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn theo tháng (% so với cùng kỳ)

Về kênh tín dụng, trong bối cảnh thanh khoản mắc kẹt, doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém có thể chứng kiến dòng tiền bị bào mòn và khó khăn tiếp cận vốn đảo nợ. 

Thế nhưng, các đơn vị có dòng tiền mạnh và huy động được vốn quốc tế vẫn sẽ vượt qua được giai đoạn trên. Năm 2022 ghi nhận nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế, hai trong số đó là Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD) và F88 (60 triệu USD). Ngoài ra, Việt Nam sẽ sớm ban hành quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Theo các chuyên gia của FiinRatings, điều này sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành như năng lượng, xây dựng, bất động sản xanh... tăng trưởng. Thực tế, doanh nghiệp như PCC1, Phú Yên TTP đã huy động tín dụng xanh thông qua quá trình xác minh với Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (“CBI”) cho các dự án năng lượng gió/mặt trời.

“Chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ thêm nhiều doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và huy động thành công tín dụng/trái phiếu xanh”, báo cáo của FiinRatings nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm