Sẽ ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Sẽ ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương về việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam.

Văn phòng  Chính phủ cho biết, trên cơ sở xem xét nội dung kiến nghị của Bộ TT&TT tại báo cáo kèm theo văn bản 3963/BTTTT-KHCN ngày 11/11/2016 về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành kèm theo Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát.

Đô thị thông minh” là sự kết hợp giữa không gian đô thị và công nghệ thông tin. Đô thị thông minh sẽ giúp người dân vận hành tất cả mọi công việc trên hệ thống công nghệ thông tin dưới sự điều hành của một trung tâm. Đô thị thông minh làm cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, môi trường sinh hoạt an toàn và thoải mái hơn.

Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Theo dự đoán, đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam sẽ đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020 và 10 lần so với hiện nay, theo đó sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố. Đây là một thách thức lớn lao nhưng cũng mở ra cơ hội quý giá cho Việt Nam trong việc xây dựng các thành phố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường theo đúng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.”

Các chuyên gia cho rằng, thực tế, việc áp dụng hệ thống công nghệ cao để đưa vào phát triển đô thị ẩn chứa nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay là điều kiện phát triển cho các đô thị và công trình của Việt Nam chưa đồng bộ, và hạ tầng cũng chưa được phát triển toàn diện. Cho nên khi lồng ghép hệ thống công nghệ cao vào thì sẽ có những khó khăn nhất định. Vấn đề thứ hai là sự tiếp nhận của người dân, đặc biệt là người quản lý đô thị. Để sở hữu những căn hộ thông minh trong khu đô thị thông minh thì người dân bắt buộc phải chi trả một chi phí nhất định trong quá trình sử dụng, và chắc chắn là không rẻ. Thế nên, cái quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân để nhận thấy sự khác biệt giữa khu đô thị cũ và đô thị thông minh.

Đồng thời, trong thời gian tới, Việt Nam nên có những chính sách thu hút các nhà đầu tư để phát triển thí điểm các công trình thông minh nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng hộ gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…