Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến hết ngày 15/3/2023

Tại Phiên họp thứ 18 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc lấy ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi cần đi đúng trọng điểm.
Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến hết ngày 15/3/2023

Tại buổi họp, trình bày về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp thu để hoàn thiện dự thảo

Theo ông Ngân, mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật…

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết thêm, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến cũng như ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban Kinh tế để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo tinh thần Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp. Qua đó cụ thể hoá bằng kế hoạch của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm nâng cao chất lượng của Luật Đất đai (sửa đổi).

Tuy nhiên, Chính phủ cần khẩn trương bổ sung nhiều nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của Luật khi áp dụng.

Bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bởi tính chất quan trọng của dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng cũng là mục tiêu hướng đến là kết quả của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Do đó, nội dung này cần phải được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.

Theo đó, bên cạnh quy định về mục đích lấy ý kiến, ông Cường yêu cầu lấy ý kiến, đối tượng lấy ý kiến, nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến, trách nhiệm tổ chức để lấy ý kiến cần bổ sung thêm một điều về kết quả lấy ý kiến theo hướng kết quả lấy ý kiến vừa gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, tức là gửi về Chính phủ để tổng hợp báo cáo, đồng thời phải gửi về Quốc hội để các cơ quan của Quốc hội chủ động nắm và xem xét trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự án dự thảo Luật này.

Lấy ý kiến hiệu quả, tránh hình thức

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả.

Thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó cần làm rõ việc lấy ý kiến nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào.

Về cách thức lấy ý kiến của nhân dân hiệu quả, trong trường hợp chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì người dân không thể thấy hết được vấn đề. Vì vậy, cần phải có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động cụ thể để người dân nắm được.

Luật đất đai
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Nhấn mạnh thực chất, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cần làm rõ xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề trong quá trình lấy ý kiến này thì vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo như thế nào? Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội xác định như thế nào…

Một điều đáng lưu ý là các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà các cơ quan của Quốc hội cũng cần có sự chủ động tham gia cùng với đó phát huy vai trò giám sát.

Thời gian ngắn, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân để tổ chức hợp lý để tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 30/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023.

Có thể bạn quan tâm