Sẽ nghiên cứu đề xuất áp thuế bất động sản thứ hai để tránh đầu cơ

Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, cơ quan này cho hay sẽ báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo luật về thuế nghiên cứu.

Cụ thể, Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến toàn dân, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Trong đó, riêng vấn đề tài chính đất đai, giá đất nhận nhiều góp ý nhất.

Nhân dân kiến nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua nhà thứ hai trở lên và theo thời gian bán bất động sản và đánh phụ phí cao với bất động sản tại khu vực, thành phố trung tâm, nhằm hạn chế đầu cơ, nhà hoặc đất không sử dụng. Đó chính là phải áp thuế bất động sản thứ hai để tránh đầu cơ.

Đồng thời, Chính phủ cho biết Nghị quyết 18 của Trung ương nêu quan điểm "quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ, bỏ đất hoang". Do đó, ở lần sửa đổi này, dự Luật Đất đai bổ sung quy định dự án bỏ hoang, chậm tiến độ sẽ bị tăng tiền sử dụng đất, thuê đất.

Tuy nhiên, với mức thuế suất cụ thể, theo cơ quan soạn thảo - Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết phải được quy định tại luật về thuế. Do đó, cơ quan này cho biết sẽ báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo luật về thuế nghiên cứu.

TP.HCM đã kiến nghị đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, góp phần tăng thu ngân sách, làm cơ sở thực tiễn xây dựng chính sách chung về sau

Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra vào ngày 17/2 vừa qua, các chuyên gia kinh tế cũng đã đề cập tới vấn đề này.

Và khi liên hệ với thế giới, chúng ta sẽ thấy một số quốc gia đã áp dụng chính sách này. Ví dụ, Singapore là một trong số quốc gia áp dụng thuế này, với mức thuế 7% với người mua nhà thứ hai và 10% với nhà thứ ba. Singapore cũng áp thuế theo thời gian bán bất động sản, như bán nhà trong năm đầu sau khi mua sẽ bị đánh thuế 16%, bán vào năm thứ hai thì mức thuế giảm về 12%, năm thứ ba là 8% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.

Được biết, tháng 12/2022, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội). Trong nhóm cơ chế tài chính ngân sách, TP.HCM đã kiến nghị đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, góp phần tăng thu ngân sách, làm cơ sở thực tiễn xây dựng chính sách chung về sau.

Đồng thời, mới đây, trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội được UBND TP.HCM gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM đã bổ sung và làm rõ cho đề xuất thu thuế bất động sản thứ 2. Theo đó, UBND TPHCM đưa ra 2 phương án để lựa chọn và áp dụng.

Phương án thứ nhất là TP.HCM sẽ thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan quy định mức thuế, thuế suất, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Phương án thứ 2, TP.HCM sẽ áp dụng tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên trên địa bàn, bao gồm: Lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.

Có thể bạn quan tâm