Mới đây, dự án “tỷ đô” này vướng lùm xùm bị tố vi phạm luật Sở hữu trí tuệ.
Thực lực không như kỳ vọng
Trong quý 1/2021, F.I.T đã có nhiều bước tiến khả quan, khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 21 tỷ đồng. Nguồn thu chính đến từ doanh thu hoạt động tài chính, bao gồm lãi tiền gửi, cho vay và tiền lãi từ hợp tác đầu tư.
Mặc dù lãi tăng, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của F.I.T lại ghi nhận giá trị âm do biến động trong các khoản công nợ phải thu và hàng tồn kho.
Nếu so với kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, thì con số lợi nhuận trên vẫn còn nhỏ bé, chỉ chiếm 9,65% chỉ tiêu. Có vẻ, F.I.T đang tự tin với Dự án bất động sản nghỉ dưỡng Mũi Dinh Ecopark tại tỉnh Ninh Thuận, nên đã đưa ra chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận khá cao so với thực lực của doanh nghiệp.
Theo lời ông Nguyễn Văn Sang, chủ tịch Hội đồng quản trị F.I.T, dự án Mũi Dinh Ecopark là sản phẩm thương hiệu cũng như bước khởi đầu của tập đoàn F.I.T. Do đó, dù được nhiều đối tác sẵn sàng mua lại dự án với mức chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng, thì F.I.T cũng không sang nhượng, mà vẫn kiên định với mục tiêu phát triển dự án.
Tại thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, F.I.T vẫn đang gấp rút xin Giấy phép xây dựng để khởi công giai đoạn 1 là khu Bãi Tràng, gồm một tổ hợp khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với 400 phòng, gần 200 biệt thự trên núi và khu hồ. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 này khoảng 3.000 tỷ đồng. Chưa kể, tiền thuế đất khoảng 300 - 500 tỷ đồng (chưa nộp).
Vì chưa có giấy phép xây dựng và chưa nộp tiền thuê đất nên F.I.T chưa đủ điều kiện chào bán sản phẩm trong dự án Mũi Dinh Ecopark theo quy định tại điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản về bất động sản hình thành trong tương lai.
Thế nhưng, đã có rất nhiều trang web quảng cáo, tư vấn và rao bán biệt thự, căn tại dự án Mũi Dinh Ecopark ngay từ những tháng đầu năm.
Trước tình trạng lộn xộn “rao bán lúa non” bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 76/2015/NĐ-CP, đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.
Theo đó, nếu chưa phát sinh giao dịch thì UBND tỉnh và Sở Xây dựng phải rà soát lại các công ty môi giới, các sàn giao dịch bất động sản quảng cáo, đảm bảo không đưa bất động sản của dự án ra bán khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Đồng thời, đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm, đề xuất UBND tỉnh xem xét, không cho tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh...
Tuy nhiên, các hoạt động quảng cáo, mời chào mua sản phẩm tại dự án Mũi Dinh Ecopark vẫn diễn ra khá sôi nổi trên các trang web của công ty môi giới bất động sản, các sàn và chính trang web dự án.
Mới đây, F.I.T kế hoạch tăng vốn thêm 800 tỷ đồng thông qua kênh phát hành trái phiếu, gồm 80 triệu phát hành riêng lẻ và 8 triệu cổ phiếu ESOP. F.I.T khẳng định số vốn này không đủ cho dự án Mũi Dinh Ecopark, nên F.I.T sẽ đi vay vốn, hợp tác đầu tư để giải ngân vào các dự án.
Thị giá cổ phiếu FIT hiện đang dao động ở mức quanh quẩn 16 - 17 nghìn đồng/cổ phiếu. Cuối năm 2020 và đầu năm năm 2021, FIT liên tục bị giới đầu tư nghi ngờ được thổi giá quá đà, bất ngờ lập đỉnh rồi bất ngờ lao dốc, có lúc về dưới mệnh giá. Do đó, nhiều nhà đầu tư đánh giá thấp tính minh bạch của cổ phiếu này, không đưa vào danh mục đầu tư của mình.
Nguy cơ bị kiện vì vi phạm bản quyền
Ngay sau khi dự án Mũi Dinh Ecopark được quảng bá trên các phương tiện truyền thông những ngày đầu tháng 1/2021, Công ty CP Tập đoàn Ecopark lập tức có văn bản gửi tới chủ đầu tư dự án là F.I.T và Crystal Bay thông báo “Ecopark” là nhãn hiệu đã được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 2007.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng tên “Ecopark” cho dự án của F.I.T là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Do đó, Tập đoàn Ecopark đề nghị F.I.T và Crystal Bay dừng ngay và chấm dứt sử dụng nhãn hiệu Ecopark để đặt tên cho bất cứ dự án nào, gỡ và huỷ bỏ việc sử dụng toàn bộ thông tin quảng cáo, văn bản tài liệu của F.I.T sử dụng nhãn hiệu Ecopark.
Thực tế, không chỉ có dự án Mũi Dinh Ecopark sử dụng nhãn hiệu Ecopark, vi phạm các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu trí tuệ, F.I.T còn đầu tư vào một công ty liên kết có tên gọi là Công ty CP Mũi Dinh Ecopark.
Công ty CP Mũi Dinh Ecopark hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được thành lập vào tháng 6/2016, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cấp. Người đại diện khi đó là Nguyễn Văn Sang, cũng chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn F.I.T.
Hiện F.I.T đang nắm giữ 49,84% tỷ lệ sở hữu vốn và 50% tỷ lệ biểu quyết tại Công ty CP Mũi Dinh Ecopark.
Không rõ, trước khi thành lập một pháp nhân mới và dự án mới, ông chủ của F.I.T có tìm hiểu về nhãn hiệu Ecopark không? Vì lúc này, Ecopark đã là một cái tên rất “nổi” trong ngành bất động sản Việt Nam. Cũng không rõ, đội ngũ tư vấn pháp lý của F.I.T có nghĩ đến tình huống có thể bị khởi kiện do vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ chỉ vì một cái tên không?
Tập đoàn Ecopark khẳng định, trong trường hợp FIT không hợp tác chấm dứt hành vi vi phạm, Ecopark sẽ khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Mãi đến khi Tập đoàn Ecopark tiếp tục có văn bản tới cơ quan chức năng về việc F.I.T vi phạm bản quyền nhãn hiệu “Ecopark” vào ngày 5/7/2021 thì F.I.T mới có văn bản phản hồi Tập đoàn Ecopark (vào ngày 8/7/2021). F.I.T cho biết, công ty đã đổi tên dự án thành Mũi Dinh Pandaran, nhưng khẳng định không thể can thiệp chỉnh sửa tên gọi dự án trong các bài quảng cáo trước 26/1/2021. Như vậy, việc đặt tên quên không tìm hiểu của F.I.T trước đó là hoàn toàn vô can?