Sau hơn 1 năm đề xuất và chưa được TP.HCM chấp thuận, siêu dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn nhanh chóng rơi vào im ắng bởi mức độ táo bạo đến mức nhiều người nghi ngờ tính khả thi của dự án.
Tuy nhiên, siêu dự án này bất ngờ được tái khởi động khi ngày 30/8/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Tập đoàn Tuần Châu để nghe báo cáo về dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn.
Tại đây, HoREA đã kiến nghị với các ngành chức năng TP đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải bổ sung dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn vào quy hoạch đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Theo HoREA, nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đại lộ này sẽ nối trung tâm TP.HCM từ bến Bạch Đằng (Q.1) với các quận huyện ở quận huyện phía Tây TP như huyện Hóc Môn, Củ Chi, Q.12, Gò Vấp. Không những thế còn giúp phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Điều này sẽ giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 22, tức đường Xuyên Á hiện nay, đồng thời sẽ tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc TP rộng 9.000ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, để tăng tính khả thi của dự án, TP cần đưa ra đấu thầu từng dự án thành phần. Hiện nay, TP.HCM cũng đang điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030, do vậy cần thiết bổ sung dự án này vào một phần tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm tận dụng quỹ đất hiện hữu của địa phương.
Được biết tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn là ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP từ đầu năm 2017. Đến nay Tập đoàn này đã tiến hành khảo sát, xây dựng và đề xuất với TP.HCM.
Trong một phản hồi về dự án, UBND TP.HCM cho rằng, tên gọi Sài Gòn New City là không phù hợp
Ngoài tuyến đường này, Tập đoàn Tuần Châu cũng đề xuất xây dựng dự án Sài Gòn New City và hồ cảnh quan Trung tâm thành phố mới; dự án khu đô thị Cảng và bến du thuyền, thiền viện, du lịch tâm linh, biển nhân tạo, tạo sóng cao 3m lọc nước sạch, bảo đảm cho 10 nghìn người tắm tại huyện Cần Giờ và dự án di dời chợ "tử thần" Kim Biên.
Trong đó, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 61 km, nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Q.12, Q.Bình Thạnh, Q.1.
Nếu được triển khai, Tập đoàn Tuân Châu cam kết trong 18 tháng sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành. Bởi hiện nay Tập đoàn này đã làm việc, liên kết với các đối tác như ngân hàng, nhà thầu, các tập đoàn về vật liệu xây dựng… thu xếp xong vốn cho dự án.
Trong khi đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư 650 triệu USD, dài gần 85km, quy mô 6-8 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/giờ, dự kiến đưa vào vận hành sau năm 2020.
Dự án có điểm đầu tại nút giao Thủ Đức (giao giữa QL1 và đường vành đai 3, Q.9, TP.HCM). Điểm cuối tại ngã tư giao quốc lộ 22 với đường tỉnh 786, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc cần sớm triển khai tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.