S&P 500 áp sát mốc cao kỷ lục khi sự lạc quan về AI thúc đẩy cổ phiếu các công ty sản xuất chip

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch 18/1 với S&P 500 tiến gần mức cao kỷ lục nhờ sự lạc quan về AI đã thúc đẩy đà tăng của Nvidia và các nhà sản xuất chip khác...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
S&P 500 áp sát mốc cao kỷ lục khi sự lạc quan về AI thúc đẩy cổ phiếu các công ty sản xuất chip

Kết thúc phiên 18/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,54% lên 37.468,61 điểm, Nasdaq thêm 1,35% lên 15.055,65 điểm trong khi S&P 500 leo 0,88% để đóng cửa ở mức 4.780,94 điểm.

Hiện tại S&P 500 chỉ thấp hơn khoảng 0,3% so với mức đóng cửa cao kỷ lục vào tháng 1/2022.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã tăng gần 10% sau khi nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới dự đoán mức tăng trưởng doanh thu vào năm 2024 là hơn 20% do nhu cầu bùng nổ về chip cao cấp được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

"Ông trùm" chip Nvidia tăng 1,9% lên mức cao kỷ lục và trở thành cổ phiếu hoạt động năng nổ nhất ở Phố Wall với số lượng cổ phiếu được giao dịch trị giá gần 28 tỷ USD.

Đối thủ Advanced Micro Devices cũng thêm 1,6% và đạt mức cao kỷ lục. Broadcom, Qualcomm và Marvell Technology đều ghi nhận đà tăng hơn 3%.

Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE leo 3,4% và chạm mức cao kỷ lục của tháng 12/2023.

Jake Dollarhide, Giám đốc điều hành của Longbow Asset Management, cho biết: “AI đã khiến ngành công nghiệp chip có một phiên giao dịch xuất sắc và tôi không nghĩ xu hướng này sẽ sớm dừng lại”.

Ở các diễn biến riêng lẻ khác, Apple tăng 3,3% sau khi BofA Global Research nâng hạng cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone từ "trung lập" lên "mua. Điều này đã giúp chỉ số công nghệ thông tin S&P 500 tăng 2% và ghi dấu mức cao kỷ lục mới.

Trong khi đó, Humana giảm 8% do công ty bảo hiểm y tế dự báo chi phí y tế trong quý 4 sẽ cao hơn dự kiến trước đó. Peer UnitedHealth mất 1,6%.

KeyCorp trượt gần 4,6% sau khi ngân hàng này công bố lợi nhuận quý 4 sụt giảm.

Cổ phiếu Birkenstock cũng giảm khoảng 8% vì không đạt được kỳ vọng về lợi nhuận hàng quý.

Spirit Airlines chốt phiên thấp hơn 7% khi có tin hãng máy bay đang cân nhắc các phương án tái cấp vốn cho khoản nợ và không xem xét tái cơ cấu.

Khối lượng trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,8 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,5 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.

Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới đây cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận vào cuối năm 2022, cho thấy sự tăng trưởng việc làm vững chắc trong tháng 1/2024.

Phố Wall đã dao động trong những phiên gần đây khi các nhà đầu tư ngày càng không chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liệu có bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới hay không.

S&P 500 sụt giảm vào cả 16 và 17/1 sau dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 12 đã khiến các nhà hoạch định chính sách hạ thấp kỳ vọng về việc bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm.

Theo Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường hiện đặt cược 56% khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 3, thấp hơn nhiều so với hy vọng lên đến 80% từ một tháng trước.

Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết ông sẵn sàng giảm lãi suất sớm hơn dự đoán nếu có bằng chứng thuyết phục trong những tháng tới cho thấy lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến. Ông Bostic trước đó đã lưu ý rằng ông tin việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào nửa cuối năm 2024 sẽ là phù hợp hơn.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu ổn định ở mức cao hơn vào phiên 18/1 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cùng nhóm sản xuất OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh.

Thời tiết mùa đông lạnh giá làm gián đoạn sản lượng dầu thô của Mỹ, đồng thời chính phủ nước này cũng báo cáo lượng tồn kho dầu thô hàng tuần giảm mạnh. Tất cả những yếu tố trên đều đã thúc đẩy đà đi lên cho giá dầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,22 USD, tương đương 1,6%, lên 79,10 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI thêm 1,52 USD, hay 2%, 74,08 USD/thùng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lượng tồn kho dầu thô tại nước này đã giảm nhiều hơn dự kiến là 2,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/1.

Báo cáo hàng tháng của IEA cho thấy, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng 1,24 triệu thùng/ngày vào năm 2024, cao hơn 180.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Vào 17/1, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) cũng đặt niềm tin rằng tăng trưởng nhu cầu sẽ vào khoảng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 12. Tổ chức này cũng từng nâng kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tăng từ 106,21 triệu thùng/ngày lên 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025.

Có thể bạn quan tâm