Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 leo 1,22% và khép phiên ở mức 4.425,84 điểm, Nasdaq Composite nhận 1,15% và đóng cửa tại 13.782,82 điểm. Tương tự, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 428,73 điểm, tương ứng 1,26%, lên 34.408,06 điểm.
Đà tăng trong ngày đã đưa S&P 500 và Nasdaq lên các mức cao nhất trong phiên kể từ tháng 4/2022. Các cổ phiếu công nghệ tiếp tục dẫn dắt sự tăng trưởng thị trường, phù hợp với xu hướng trên Phố Wall trong năm 2023.
S&P 500 cũng đang ghi nhận chuỗi khởi sắc dài nhất kể từ tháng 11/2021 và sắp có được tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 3. So với mức thấp xác lập vào tháng 10 năm ngoái, chỉ số này hiện đã tăng 23%. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 15%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq cũng nhảy vọt hơn 31% trong năm 2023.
Tất cả 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500 đều tăng, dẫn đầu là chăm sóc sức khỏe tăng 1,55%, tiếp theo là dịch vụ truyền thông tăng 1,54%.
Trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu của Microsoft và Oracle tăng khoảng 3,2% và 3,5%. Cổ phiếu Alibaba cũng leo gần 3,2%.
Mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sau cuộc họp chính sách rằng Ủy ban sẽ sử dụng sáu tuần cho đến cuộc họp tiếp theo để đánh giá tác động của các đợt tăng lãi suất trước đây tới nền kinh tế. Quyết định về chính sách tháng 7/2023 chưa được đưa ra.
Tuy nhiên, ông Powell khẳng định Fed có khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, dựa vào dữ liệu từng tháng. Chứng khoán đã dao động suốt cuộc phỏng vấn của chủ tịch Fed.
Các dữ liệu kinh tế bổ sung được công bố vào buổi sáng thứ Năm đã mang lại cái nhìn rõ nét hơn về sức mạnh của thị trường lao động. Số liệu hàng tuần về đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ghi nhận 262.000 đơn, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia là 245.000 đơn. Trong khi doanh số bán lẻ tháng 5 bất ngờ tăng 0,3%, ngược với dự báo giảm 0,1% của nhiều nhà kinh tế.
”Với những dữ liệu chỉ ra nền kinh tế đang phục hồi, các nhà đầu tư không tin rằng sẽ có tới 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay”, ông Ross Mayfield, một nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird nhận xét.
Theo công cụ CME Fedwatch, thị trường nhận thấy 67% khả năng lãi suất sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 7, sau đó là khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 12.
Giá dầu bất ngờ tăng mạnh lên mức cao nhất trong một tuần do đồng USD giảm và hoạt động lọc dầu tăng vọt tại Trung Quốc. Giá dầu WTI giao dịch ở mức 69,25 USD/thùng, giảm 0,81 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 74,2 USD/thùng, giảm 0,52 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy sản lượng lọc dầu của quốc gia Đông Á trong tháng 5 đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Giám đốc điều hành của Kuwait Petroleum Corp, nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định trong nửa cuối năm nay.
Ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,5%, mức cao nhất trong 22 năm. Đây là mức tăng lãi suất lần thứ 8 của ECB kể từ tháng 7/2022 nhằm ứng phó với lạm phát cao kéo dài.
Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí vay cho người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Về phía cung, các nhà phân tích kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện được thực hiện từ tháng 5 bởi OPEC+ và bởi Saudi Arabia vào tháng 7 sẽ hỗ trợ giá tại thời điểm nhu cầu mạnh.
UBS dự kiến nguồn cung thâm hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và hơn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Ngân hàng này dự đoán giá dầu sẽ có xu hướng tăng.