S&P 500, Nasdaq ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3

Phố Wall kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động mà trong đó lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng cao làm rung chuyển thị trường sau khi Cục Dự trữ Liên bang nhấn mạnh quan điểm duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn…

Các trader làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Các trader làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 106,58 điểm (-0,31%) xuống 33.963,84 điểm, S&P 500 mất 9,94 điểm (-0,23%) thành 4.320,06 điểm và Nasdaq Composite giảm 12,18 điểm (-0,09%) còn 13.211,81 điểm.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều dao động trong phần lớn thời gian của phiên nhưng kết thúc trong sắc đỏ.

Cả ba đều ghi nhận khoản lỗ tuần, trong đó S&P 500 và Nasdaq có mức giảm phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3.

Trước đó một ngày, S&P 500 đã giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày - mức hỗ trợ quan trọng - lần đầu tiên kể từ tháng 3. Việc chỉ số này chưa thể vượt qua mức đó cho thấy S&P 500 vẫn đang chịu áp lực giảm giá.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, hàng tiêu dùng không thiết yếu chịu tổn thất theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất, trong khi công nghệ và năng lượng là những lĩnh vực duy nhất tăng giá.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Amazon.com Inc đóng cửa không có nhiều thay đổi mặc dù đã tiết lộ kế hoạch đưa hạn chế đưa quảng cáo vào dịch vụ phát trực tuyến Prime Video bắt đầu từ năm tới.

Ford Motor Co tăng 1,9% sau khi liên đoàn Công nhân United Auto báo cáo tiến triển trong các cuộc đàm phán với nhà sản xuất.

Cổ phiếu Activision Blizzard lên 1,7%, với việc Microsoft mua lại công ty gần như đã vượt qua những rào cản pháp lý cuối cùng sau khi các quan chức Vương quốc Anh cho biết họ sẽ chấp nhận một số nhượng bộ mà Microsoft đưa ra.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc bao gồm PDD Holdings, JD, Li Auto và Baidu đều tăng từ 2% đến 4% do có dấu hiệu phục hồi kinh tế từ quốc gia tỷ dân, trong khi Alibaba leo vọt 5,0% sau khi Bloomberg đưa tin rằng bộ phận hậu cần Cainiao đang lên kế hoạch nộp đơn xin IPO ở Hồng Kông ngay trong tuần tới.

Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,47 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,09 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

“Tuần vừa qua rõ ràng đã chứng kiến việc tín hiệu của Fed “va chạm” với các nhà đầu tư quá lạc quan. Các nhà đầu tư tin rằng lãi suất đã ở mức cao nhất nhưng bình luận từ chủ tịch Jerome Powell và cả dự báo trong biểu đồ Dot Plot cũng chỉ ra khả năng về một đợt tăng nữa trong những tháng tới”, ông Zachary Hill, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại Horizon Investments cho biết.

Vào 22/9, nhận xét từ Thống đốc Fed Michelle Bowman đã ủng hộ quan điểm “diều hâu” của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong việc giữ lãi suất mục tiêu ở mức cao trong thời gian dài hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth nhận xét: “Có rất nhiều yếu tố đang cản trở việc “hạ cánh mềm” của nền kinh tế và đó là điều mà Fed cần được nhắc nhở, bởi việc đưa lãi suất lên cao hơn có thể đẩy chúng ta vào suy thoái”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm khỏi mức cao nhất trong 16 năm khi các nhà đầu tư chuyển sự chú ý từ Fed sang dữ liệu kinh tế quan trọng sắp tới.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giữ ổn định vào 22/9 nhưng kết thúc tuần giảm do thị trường cân nhắc những lo ngại nguồn cung xuất phát từ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga trước những khó khăn về nhu cầu liên quan tới khả năng tăng lãi suất trong tương lai.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 3 cent xuống mức 93,27 USD/thùng. Dầu Brent đã giảm 0,3% trong tuần, phá vỡ chuỗi tăng ba tuần liên tiếp.

Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ tăng 40 cent, tương đương 0,5%, lên 90,03 USD/thùng, một phần vì thông báo số giàn khoan dầu của Mỹ giảm. Điểm chuẩn này đã giảm 0,03% trong tuần, mức giảm đầu tiên sau bốn tuần.

Dennis Kissler, phó chủ tịch giao dịch cấp cao tại BOK Financial đánh giá: “Các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu sẽ giảm trong tháng 10 khi các nhà máy lọc dầu tiến hành bảo trì và lãi suất cao hơn sẽ gây áp lực lên thị trường”.

Cả hai điểm chuẩn đều đã tăng hơn 10% trong ba tuần trước đó do lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

Xem thêm

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Chứng khoán Mỹ "nhúng" xuống mức thấp nhất 3 tháng

Phố Wall chìm trong đợt bán tháo rộng rãi vào 21/9 khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư bị tiêu tan bởi lo ngại rằng chính sách tiền tệ hạn chế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì lâu hơn dự đoán…

Có thể bạn quan tâm