S&P 500 tăng vọt, giới đầu tư kỳ vọng sớm lên mức cao nhất mọi thời đại

Chứng khoán Mỹ kéo dài đà tăng vào 19/12 khi chính sách ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang vào tuần trước tiếp tục gây tiếng vang và các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 251,9 điểm (+0,68%) lên 37.557,92 điểm, S&P 500 thêm 27,81 điểm (+0,59%) ở mức 4.768,37 điểm và Nasdaq Composite leo 98,03 điểm (+0,66%) thành 15.003,22 điểm.

Mức tăng trên diện rộng đã thúc đẩy cả ba chỉ số chứng khoán chính và đưa S&P 500 tiến gần tới mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào tháng 1/2022.

Tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều kết thúc phiên trong vùng tích cực, trong đó dịch vụ năng lượng và truyền thông có mức tăng phần trăm lớn nhất.

Chỉ số Xây dựng nhà S&P 1500 và chỉ số Nhà ở Philadelphia SE lần lượt thêm 1,6% và 1,2%.

Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 12; Russell 2000 dẫn đầu mức tăng với 1,9%. Chỉ số này đã tăng hơn 11,7% từ đầu năm đến nay.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Boeing tăng 1,2% sau khi hãng hàng không Lufthansa của Đức tiết lộ thoả thuận đặt mua 40 máy bay phản lực 737-8 MAX từ nhà sản xuất này.

Kenvue thêm 2,2% nhờ phán quyết của tòa án Mỹ ủng hộ công ty chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng trong vụ kiện về thuốc Tylenol.

Cổ phiếu Alphabet tăng 1% bởi quyết định đồng ý trả 700 triệu USD để giải quyết vụ kiện do các tiểu bang và người tiêu dùng Mỹ đưa ra về các hành vi phản cạnh tranh tại cửa hàng ứng dụng Play trên thiết bị Android.

Trong khi đó, FedEx mất gần 8% trong giao dịch kéo dài do dự báo doanh thu cả năm bị cắt giảm khi công ty phải cạnh tranh với United Parcel Service (UPS) trong mùa mua sắm ảm đạm cuối năm. Cổ phiếu UPS giảm 2,6%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,61 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,97 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Khi kết thúc cuộc họp chính sách vào thứ Tư tuần trước, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã báo hiệu rằng họ đã đi đến chặng cuối của chu kỳ thắt chặt và mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất trong năm tới.

Thông điệp này đã trở thành động lực lớn cho thị trường chứng khoán kể từ đó, tuy nhiên, trong một chia sẻ hôm 19/12, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết rằng không có gì quá khẩn cấp để bắt đầu cắt giảm lãi suất, do sức mạnh của nền kinh tế và tốc độ lạm phát chậm lại để hướng tới mục tiêu 2% hàng năm của ngân hàng trung ương Mỹ.

Mặc dù vậy, thị trường tài chính vẫn đặt cược 67,5% khả năng Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm ngay sau tháng 3/2024, theo công cụ FedWatch của CME.

Về mặt kinh tế, một báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy số lượng nhà mới dành cho một hộ gia đình trong tháng 11 đã tăng 18% lên mức cao hơn 1 năm rưỡi.

Bộ Thương mại cũng dự kiến ​​sẽ công bố báo cáo cuối cùng về GDP quý 3 vào 21/12, sau đó là báo cáo Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) trên phạm vi rộng vào 22/12, sẽ bao gồm tăng trưởng thu nhập, chi tiêu tiêu dùng và quan trọng nhất là lạm phát.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng hơn 1 USD/thùng vào phiên 19/12, kéo dài mức tăng của phiên trước đó sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ, làm gián đoạn thương mại hàng hải và buộc nhiều công ty phải định tuyến lại tàu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,28 USD, tương đương 1,6%, đạt 79,23 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 1/12. Dầu thô WTI kỳ hạn giao tháng 1 tăng 97 cent, tương đương 1,3%, chốt ở mức 73,44 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong hơn hai tuần.

Trong cùng ngày, Mỹ đưa ra tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ thương mại Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công. Đáp lại, lực lượng Houthi thách thức sứ mệnh hải quân do Mỹ dẫn đầu và tiếp tục tấn công các mục tiêu trong khu vực.

Fiona Cincotta, nhà phân tích cấp cao tại City Index cho biết: “Những xung đột này sẽ còn kéo dài trong bao lâu là một ẩn số khiến thị trường lo lắng. Mặc dù đã có một số hoạt động được triển khai nhằm đảm bảo việc đi lại an toàn qua Biển Đỏ, những các công ty vận tải lớn rõ ràng là vẫn đang né tránh khu vực này”.

Khoảng 12% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua Biển Đỏ và qua Kênh đào Suez.

Có thể bạn quan tâm