Trung Quốc là một trong ba thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, các loại và linh kiện, phụ tùng ô tô chính của Việt Nam. Tuy nhiên, đối mặt với nhiều áp lực, sản lượng xe từ Trung Quốc được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm đáng kể trong tháng 12/2024, buộc các hãng xe đang dần phải thay đổi chiến lược phát triển tại thị trường đầy tiềm năng này.
Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, trong tháng 12/2024, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc đạt khoảng hơn 2.780 chiếc, giảm 25,5% so với tháng 11/2024. Trong đó, so với tháng 11/2024, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có 1.169 chiếc, giảm 31,9%; chỉ có 9 chiếc ô tô trên 9 chỗ ngồi làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam; xe ô tô vận tải có 429 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc, giảm 24,9%...
Nhìn chung trong cả năm 2024 sau 11 tháng, xe lắp ráp trong nước liên tục chịu sức ép rất lớn từ xe nhập khẩu trong đó có xe của các hãng đến từ Trung Quốc. Các sản phẩm đến từ Trung Quốc luôn có một lợi thế rất lớn, đó là giá bán. Hầu hết các mẫu xe Trung Quốc có giá bán thấp hơn so với các mẫu xe của các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này giúp các hãng xe Trung Quốc thu hút được nhiều khách hàng mua xe lần đầu tiên.
Cùng với đó, các hãng xe Trung Quốc cũng có lợi thế về công nghệ. Trong những năm gần đây, các hãng xe Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, mang đến cho khách hàng những mẫu xe với thiết kế hiện đại, trang bị tiện nghi và an toàn cao.
Thị trường Việt Nam có làn sóng xe nhập khẩu Trung Quốc đang tràn vào mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay. Những cái thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam có thể nhắc tới như MG, Hồng Kỳ, Beijing, Haval, Lynk & Co, Haima, Wuling, Chery, BYD, GAC, GWM, Aion, Omoda & Jaecoo, Dongfeng, Geely…
Tuy nhiên, làn sóng này đã sớm chịu áp lực bởi chính sách thuế quan và nút thắt về hệ thống phân phối cùng tâm lý của người tiêu dùng. Thực tế có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn quan niệm, hàng hóa, sản phẩm từ Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng thấp, nhất là với ô tô là một tài sản giá trị lớn, yêu cầu của người dùng cũng sẽ khắt khe hơn.
Đặc biệt, các hãng xe đến từ Trung Quốc đang phải chịu áp lực về thuế nhập khẩu. Tùy theo mẫu mã, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 49%. Trong khi các đối thủ đến từ các nước Đông Nam Á đang được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%; các đối thủ ở nước sở tại đang được hưởng thêm các chính sách ưu đãi khuyến khích sản xuất trong nước.
Đây thực sự là những vấn đề lớn mà các hãng xe Trung Quốc phải đối mặt khi “thâm nhập” thị trường Việt Nam đang rất cần được tháo gỡ sớm.
Trong giai đoạn tới, các hãng xe đang tìm ra hướng giải quyết những áp lực là đẩy mạnh khai thác mảng lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước. Minh chứng rất rõ trong việc các hãng đang tích cực mở rộng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, Changan - một hãng xe Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây nhà máy sản xuất ô tô du lịch 5-7 chỗ ngồi tại Huế. Đối tác của hãng này tại Việt Nam là Kim Long Motor Huế.
Changan chỉ là một trong số nhiều hãng xe Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có Geely - một "ông lớn" Trung Quốc cũng đang bắt đầu xây dựng nhà máy ở Thái Bình, dự kiến khởi công năm nay, xuất xưởng xe từ năm sau. Nhà máy này sẽ lắp các xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và tiến tới các thương hiệu khác thuộc Geely trong tương lai.
Omoda & Jaecoo (thuộc Chery) cũng là các thương hiệu xe Trung Quốc khác đặt nhà máy trong khu công nghiệp Hưng Phú, Thái Bình. Nhà máy có vốn đầu tư lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Giai đoạn 2025-2026 hứa hẹn sẽ chứng kiến một cuộc đua sôi động trong ngành ô tô Việt Nam. Với sự gia nhập của nhiều hãng xe mới và việc nội địa hóa sản xuất, thị trường sẽ trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng mà còn tạo ra áp lực cạnh tranh, giúp giảm giá thành sản phẩm.