Tại sao khó thu hồi dự án ‘ôm’ đất bỏ hoang?

Thu hồi đất của các dự án treo là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay, bởi còn những vấn đề khó khăn về mặt khung chính sách pháp luật, quy hoạch và đặc biệt là sự đồng thuận của các chủ đầu tư.
Tại sao khó thu hồi dự án ‘ôm’ đất bỏ hoang?

Từ năm 2018 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội cùng với các sở, ban, ngành trong thành phố triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai. Kết quả cho thấy, 29 dự án (tổng diện tích 1.844,3ha) được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.

 Nhiều dự án “đắp chiếu”

Theo đó, huyện Ba Vì có 2 dự án, quận Nam Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm có 3 dự án, huyện Mê Linh có 10 dự án, huyện Thạch Thất có 10 dự án… nằm trong kế hoạch đề xuất bị thu hồi. Điều đáng bàn là trong số này đa phần là các dự án nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tây, tỉnh Vĩnh Phúc cũ được phê duyệt trước khi sáp nhập vào Hà Nội năm 2008 gây khó khăn trở ngại để có thể thu hồi.

Trong khi hàng chục, hàng trăm dự án bỏ hoang từ 10-20 năm thì không chỉ người dân mất đất canh tác mà còn gây hệ luỵ về cảnh quan môi trường, lãng phí nguồn lực đất đai của nhà nước. Và sau 5 lần 7 lượt các sở, ban ngành đề nghị UBND TP.Hà Nội, hình như các dự án này vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”.

Cũng ngay hồi đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh nội dung hiện nay, có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn. Điều này khiến bộ mặt thủ đô trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất.

Câu chuyện đất Mê Linh khởi nguồn từ việc trước năm 2005 khi huyện này còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương phát triển thành đô thị cửa ngõ của tỉnh. Do đó, Vĩnh Phúc đã hoàn thiện mọi hồ sơ thủ tục pháp lý, phương án bồi thường cũng như quy hoạch 1/500. Đến năm 2008, khi sáp nhập vào Hà Nội, tất cả các dự án đều phải dừng triển khai để rà soát, kiểm tra đồng bộ theo quy hoạch chung của thủ đô.

Trong 7 năm từ 2008 - 2015 chờ quy hoạch, UBND thành phố Hà Nội mới quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị, trong đó có phân khu đô thị quy hoạch trục Mê Linh. Đồng thời, các chủ đầu tư dự án phải tiếp tục liên hệ sở ngành để thực hiện các bước như: quy hoạch 1/500, giấy chứng nhận, chủ trương đầu tư… Khi quy hoạch được thông qua, nảy sinh thêm vấn đề một số người dân khiếu kiện, thắc mắc về giá đền bù.

Câu chuyện đất bỏ hoang tại Ba Vì và Thạch Thất cũng gần tương tự như Mê Linh, do trước khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, các dự án đầu tư tại đây cũng đã hoàn thành mọi thủ tục pháp lý, quy hoạch 1/500… nhưng năm 2008 thuộc Hà Nội chịu sự điều chỉnh chung của quy hoạch vùng Thủ đô năm 2016-2020 và tầm nhìn 2030.

Trước đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, các dự án chậm triển khai nguyên nhân khách quan nhưng mấu chốt nằm ở cơ chế, chính sách giữa 2 địa phương trước và sau khi sáp nhập không có sự thống nhất về quy hoạch. Do vậy, khi về Hà Nội sẽ chịu sự điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô.

Một nguyên nhân cũng không thể không nhắc tới là nhiều chủ đầu tư “ăn xổi”, không có tiềm lực tài chính mạnh. Khi thị trường nóng hồi năm 209-2010, họ tranh thủ bán đất lấy tiền, chậm triển khai hoặc mang đi đầu tư các dự án, lĩnh vực khác. Năm 2011 thị trường rơi vào khủng hoảng, các nhà đầu tư cũng “đóng băng” không nộp tiền tiếp thì dự án không có tài chính để triển khai.

Điều dễ nhận thấy là để đối phó với việc thu hồi, các chủ đầu tư tìm cách kéo dài thời gian, xây dựng một phần nhỏ hoặc chỉ san nền, quây tôn rồi bỏ đấy. Có chủ đầu tư chờ hết thời hạn rồi chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác, sau đó dự án lại tiếp tục nằm im.

Điển hình như Dự án xưởng sản xuất mành tại Văn Miếu – Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây) của Công ty TNHH Mành trang trí. Dự án này không thực hiện nghĩa vụ tài chính từ năm 2016.

Dự án xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn tại xã Cam Thượng (Ba Vì) của CTCP bê tông Vạn Trường Thành. Công ty không phối hợp với UBND huyện Ba Vì để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Thu hồi vẫn dừng… trên giấy

Rất nhiều giải pháp thu hồi được đưa ra, nhưng hình như các chế tài và các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai còn chồng chéo nên công tác thu hồi mới chỉ ở “trên giấy”. Thu hồi đất của các dự án treo là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay, bởi còn những vấn đề khó khăn về mặt khung chính sách pháp luật, giá đền bù.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ, để xử lý được những dự án treo này, các địa phương cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. Theo Luật Đất đai 2013, với trường hợp dự án sai phạm nhưng đang hình thành tài sản trên đất, theo quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất

Đối với trường hợp tài sản đã được hình thành trên đất, nhà nước có thể tịch thu đất, nhưng không tịch thu tài sản trên đất. Nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.

“Đối với dự án sang tên đổi chủ nhiều lần, cơ quan quản lý cần rà soát triệt để xem sai ở khâu nào, căn cứ theo pháp luật đều có phương án xử lý thích hợp”, GS. Võ nói.

Bình luận về các dự án bỏ hoang, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai đã có cơ chế về giao đất, sử dụng đất đai rồi, nếu đến thời hạn mà chưa sử dụng thì cần tiến hành thu hồi lại, giao cho những tổ chức, đơn vị có nhu cầu thiết thực hơn, có tiềm lực tài chính mạnh hơn.

“Cần thiết có thể bán đấu giá để đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, không thể để tình trạng này kéo dài thêm bức xúc trong dư luận, mất mỹ quan đô thị", Luật sư Tú nói.

Để thu hồi các dự án bỏ hoang không thể nào dễ, khi hàng loạt các rào cản về chính sách, thủ tục pháp lý, công tác bồi thường cho người dân hay những khiếu kiện không đáng có. Đánh thuế biệt thự bỏ hoang là giải pháp mà Hà Nội đề xuất lên Bộ Tài chính đã vấp phải ý kiến nhiều chiều.

Theo UBND TP.Hà Nội, việc này sẽ giúp gây áp lực để buộc chủ dự án phải sớm đưa dự án vào khai thác, nhưng cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên đề xuất này vẫn “dậm chân tại chỗ” vì vướng ở điểm bằng cảm quan không thể tìm ra cách chứng minh biệt thự nào bỏ hoang, biệt thự nào có người ở. 

Suy cho cùng, việc thu hồi được các dự án bỏ hoang hay không phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của chính quyền địa phương. Trước đó đã có 33 dự án đã được thu hồi. Dư luận đặt câu hỏi tại sao các dự án “đắp chiếu” 10-20 vẫn không thể thực hiện được trong khi tài nguyên đất đai đang dần cạn kiệt.

Có thể bạn quan tâm