Tân Cảng Sài Gòn: Đã thống lĩnh thị trường container, tiến tới thống lĩnh vận tải biển container?

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nắm 60% thị phần container xuất nhập khẩu cả nước. Thực tế đang là doanh nghiệp dẫn dắt ngành khai thác cảng và dịch vụ logistics Việt Nam. Đây là thông tin từ một thông cáo báo chí của Bộ Tư lệnh Hải quân.
Tân Cảng Sài Gòn: Đã thống lĩnh thị trường container, tiến tới thống lĩnh vận tải biển container?

Thống lĩnh thị trường

Theo Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp Quốc phòng, anh ninh hoạt động trên 3 trụ cột kinh doanh gồm khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế trên biển.

Các doanh nghiệp thuộc tổng công ty hiện cung cấp các giải pháp logistics trọn gói cho như: dịch vụ vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không trong nước và quốc tế; dịch vụ kho hàng và trung tâm phân phối…

Hiện nay hệ thống của Tân Cảng Sài Gòn đang nắm tới 60% thị phần container xuất nhập khẩu, 50% thị phần container thông qua (xuất nhập khẩu nội địa) của hệ thống cảng toàn quốc.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng của tổng công ty chiếm 25% tổng kim ngạch, đóng góp 37% tổng số thu thuế xuất nhập khẩu và 8% tổng thu ngân sách quốc gia. 

Xét về về quy mô, Tân Cảng Sài Gòn đang bỏ xa những đối thủ trong lĩnh vực kinh doanh này.

Nếu so sánh với CTCP Gemadept – một “ông lớn” khác trong mảng khai thác cảng và logistics khác của Việt Nam, có thể thấy sự vượt trội của Tân Cảng Sài Gòn. Cụ thể, nếu như sản lượng thông qua của Tân Cảng năm 2020 là 9,5 triệu TEUs thì con số này của Gemadept chỉ là hơn 700.000 TEUs. Tăng trưởng năm 2020 của Tân Cảng là 8% thì của Gemadept lại là tăng trưởng âm.

Năm 2021, Tân Cảng đặt mục tiêu tăng trưởng trên 6% so với năm 2020, trong khi đó Gemadept cũng chỉ mong đạt điểm hòa.

Báo cáo từ Bộ Tư lệnh Hải quân nêu rõ, hiện Tân Cảng Sài Gòn đang tiến hành khai thác 10 hệ thống cảng biển lớn của Việt Nam, nằm trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới.

Trong chiến lược phát triển của mình, Tân Cảng Sài Gòn cho biết sẽ còn tiếp tục củng cố và mở rộng 3 mảng chiến lược của mình.

Lách cơ chế chống độc quyền

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết, tính tới năm 2020, Tân Cảng Sài Gòn chiếm 65% thị phần vận tải container bằng sà lan tuyến TPHCM - Cái Mép, 70% thị phần tuyến đồng bằng Sông Cửu Long, 43% thị phần tuyến sà lan Việt Nam – Campuchia.

Vận tải containe thủy nội địa không là thế mạnh duy nhất trong lĩnh vực vận tải của Tân Cảng – Sài Gòn. Thông tin từ Bộ Tư lệnh Hải quân, hay cụ thể hơn là từ Tân Cảng – Sài Gòn, gần như không nhắc tới lĩnh vực mà doanh nghiệp này rất mạnh, và cũng là lĩnh vực hiện được nhà nước bảo hộ. Đó là vận tải container nội địa theo đường biển.

Tuy thế, thông tin về đội tàu của Tân Cảng – Sài Gòn khá mù mờ. Theo thông tin trên web của Tổng công ty Tân Cảng – Sài Gòn, hiện Tân Cảng – Sài Gòn đang có 4 tàu chở hàng gồm Pioneer, Foundation, Glory và Victory. Đây đều là những tàu già, trên dưới 20 năm tuổi, nhưng đang được khai thác rất hiệu quả, với lịch chạy đều đặn mỗi tuần 3 chuyến tuyến Tp.HCM – Hải Phòng.

Để bảo vệ doanh nghiệp vận tải biển nội địa, hiện nhà nước không cho phép tàu treo cờ nước ngoài được chở hàng container trên các tuyến nội địa. Cả nước hiện có 21 tàu treo cờ Việt Nam vận tải container Bắc – Nam. Nhưng chỉ với 4 tàu chở container này, Tân Cảng – Sài Gòn cho biết đã giữ tới 25% thị phần vận tải container nội địa theo đường biển Bắc Nam. Điều đó cho thấy đội tàu của tổng công ty hiện đang hoạt động vô cùng hiệu quả.

Báo cáo của Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết, Tân Cảng – Sài Gòn được Bộ KHĐT đề xuất để nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường trong ngành khai thác cảng biển, dịch vụ logistics.

Đây là một đòn đau với các doanh nghiệp ngành cảng biển, dịch vụ logistics dân sự. Đặc biệt với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Doanh nghiệp đang khai thác nhiều cảng biển nhất Việt Nam và đã từng là mạnh nhất trong ngành cảng biển, dịch vụ logistics này hiện đang ngụp lặn cố thoát khỏi vũng lầy nợ nần. Do thế đã không còn sức để tham gia vào đề án của Bộ KHĐT.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2018 quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

Do thế, cũng có thể Đề án của Bộ KHĐT được lập ra, với mục tiêu hợp lý hóa vai trò “dẫn dắt, mở đường” trong ngành khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, vận tải biển mà  Tân Cảng – Sài Gòn đã giành được và đang tiếp tục gia tăng.

Cần nói rõ, Tân Cảng Sài Gòn tự lực vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động. Điều đó khác hẳn với Vinalines được ưu đãi đủ thứ, mà vẫn thất bại với các mục tiêu phát triển và đến nay vẫn hoàn toàn sống dựa vào các can thiệp của nhà nước.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, việc một doanh nghiệp quân đội phát triển tới quy mô thống lĩnh ngành hoạt động cần phải có thêm những đánh giá tác động cụ thể. Chứ không thể chỉ được hợp pháp hóa bằng cách lách vào một đề án thí điểm.

Có thể bạn quan tâm