Kết thúc phiên 6/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 176,59 điểm (+0,46%) lên 38.852,27 điểm, S&P 500 thêm 52,95 điểm (+1,03%) thành 5.180,74 điểm và Nasdaq Composite leo 192,92 điểm (+1,19%) lên 16.349,25 điểm.
Phần lớn các lĩnh vực thuộc S&P 500 đều kết thúc trong vùng tích cực. Năng lượng là một trong những ngành có mức tăng dẫn đầu, một phần nhờ giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đạt mốc cao nhất trong 14 tuần.
Các nhà sản xuất chip nhìn chung cũng đã tăng điểm vào phiên đầu tuần, bao gồm cả Arm Holdings tăng 5,2% trước thềm báo cáo thu nhập vào cuối tuần này.
Micron Technology thêm 4,7% sau khi có báo cáo cho biết Baird đã nâng hạng cổ phiếu của hãng, trong khi đó Advanced Micro Devices và Super Micro Computer lần lượt tăng 3,4% và 6,1%, đều phục hồi vị thế đã mất do thu nhập đáng thất vọng vào tuần trước.
Paramount Global leo 3,1% sau khi kết thúc cuộc đàm phán độc quyền với Skydance Media mà không có thỏa thuận. Kết quả này cho phép ủy ban đặc biệt của công ty tiếp nhận các đề nghị khác từ các nhà thầu đối thủ.
Ở các diễn biến khác, Tyson Foods giảm 5,7% dù cho nhà chế biến thực phẩm này vượt qua kỳ vọng của Phố Wall về lợi nhuận quý hai nhưng cảnh báo rằng người tiêu dùng đang chịu áp lực từ lạm phát.
Spirit Airlines mất 9,7%, rơi xuống mức thấp kỷ lục sau khi báo cáo triển vọng doanh thu yếu trong quý hai.
Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm bớt khi năm 2024 dần trôi qua mà lạm phát vẫn còn dai dẳng. Một số nhà đầu tư bắt đầu lo lắng rằng việc cắt giảm có thể không sớm thành hiện thực, khiến tâm lý thị trường đi xuống trong tháng Tư.
Tuy nhiên, dữ liệu vào cuối tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại hơn dự kiến trong tháng 4, gây áp lực lên ngân hàng trung ương Mỹ trong việc duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Cùng với kết quả thu nhập của các công ty Mỹ bất ngờ đi lên, những điều này đã mang lại cho các nhà đầu tư tín hiệu tích cực mới trong những phiên gần đây.
Các nhà hoạch định chính sách đã nhắc lại thông điệp được Fed đưa ra vào tuần trước, phát đi tín hiệu rằng họ đang hướng tới cắt giảm lãi suất nhưng muốn có được niềm tin chắc chắn rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống.
Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cho biết mức lãi suất hiện tại sẽ là đủ để hạ nhiệt nền kinh tế và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, trong khi sức mạnh của thị trường việc làm khiến các quan chức có thời gian chờ đợi. Trong khi đó, Chủ tịch Fed New York John Williams lưu ý rằng mặc dù việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra nhưng chính sách tiền tệ hiện đang ở một vị trí rất tốt.
Jason Pride, giám đốc nghiên cứu và chiến lược đầu tư tại Glenmede, cho biết: “Rất nhiều chuyển động trong những phiên qua phản ánh việc thị trường đang cố gắng tìm hiểu và điều chỉnh các quan điểm khác nhau về lạm phát và lãi suất”.
Các nhà giao dịch hiện đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm khoảng 0,46 điểm phần trăm vào cuối năm 2024, với lần cắt giảm đầu tiên dự kiến vào tháng 9 hoặc tháng 11, theo dữ liệu từ LSEG.
GIÁ DẦU BIẾN ĐỘNG
Giá dầu đóng cửa ổn định ở mức cao hơn trong phiên 6/5 sau khi dao động dữ dội do hy vọng chấm dứt chiến tranh ở Gaza đang dần suy giảm.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 0,5% lên 83,33 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,5% lên mức 78,48 USD/thùng sau khi giảm xuống dưới 78 USD/thùng trong ngày.
Xu hướng giảm giá của dầu cũng đã được “phanh” lại bởi những kỳ vọng mới về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc cắt giảm lãi suất, dù sớm hay muộn, cũng có thể giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ nhu cầu về dầu.
Mặt khác, Arab Saudi mới đây đã đưa ra tuyên bố tăng giá bán chính thức dầu thô của mình tới Tây Bắc Âu, Địa Trung Hải và châu Á vào tháng 6, mức tăng ở tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy niềm tin thực tế vào nhu cầu trong mùa hè - mùa lái xe cao điểm - từ nhà lãnh đạo Tổ chức OPEC.
BITCOIN RƠI KHỎI MỐC 64.000 USD
Giá bitcoin giảm nhẹ vào thứ Hai sau khi ghi nhận sự phục hồi vào cuối tuần trước. Bitcoin hiện ở mức 63.183 USD, giảm 1,35% trong 24 giờ qua.
Sau dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp yếu hơn dự kiến, đồng USD giảm mạnh và là nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho Bitcoin vào cuối tuần qua. Điều này đã giúp Bitcoin phục hồi từ lãnh thổ thị trường giá xuống sau khi giảm xuống dưới 59.000 USD - thấp hơn khoảng 22% so với mức cao kỷ lục đạt được trong tháng 3.
Mức tăng trong thời gian ngắn của Bitcoin đã bị kìm hãm bởi các dự đoán về tín hiệu lãi suất của Mỹ, đặc biệt khi một loạt quan chức của Fed sẽ phát biểu trong những ngày tới.
Nhưng bất chấp sự phục hồi vào cuối tuần, Bitcoin vẫn nằm trong phạm vi dao động từ 60.000 đến 70.000 USD khi sự nhiệt tình trên thị trường tiền điện tử đang dần suy yếu.