Tăng năng suất lao động: Những điểm nghẽn cần được công phá

Chuyên gia kinh tế cho rằng hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn, tập trung vào liên kết phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương để xây dựng chính sách đồng bộ và xuyên suốt…

công nhân.jpeg
Phá điểm nghẽn, nâng cao năng suất lao động Việt

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, sáng 19/9, chuyên đề 2 diễn ra với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới". Tại đây, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những điểm nghẽn khiến năng suất Việt Nam chưa thể bật tăng, cũng như đưa ra những khuyến nghị để cải thiện năng suất trong giai đoạn tới.

TRÁNH LỌT BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết, so với một số nền kinh tế ASEAN, ông Felix Weidencaff cho biết, Việt Nam đã phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng năng suất trong những thập kỷ qua nhưng năng suất lao động vẫn tương đối thấp so với một số nền kinh tế khác ở Đông Nam Á.

Lý giải nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp, TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, cho rằng có các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Trên thực tế, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam, thế nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Mặt khác, thời gian qua dù cũng có nhiều chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo, nhưng thực tế quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng chỉ ra những “nút thắt” trong tăng năng suất lao động của Việt Nam. Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian, nhưng vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước hay không?

Ông dẫn câu chuyện tại Thái Lan và Malaysia đạt được mức tăng trưởng năng suất ấn tượng là 5,6-16,3% mỗi năm giai đoạn 1989-1999. Tuy nhiên, tốc độ chững lại đáng kể từ sau thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á.

"Rất khó để một quốc gia có thể tăng trưởng năng suất nhanh trong một giai đoạn dài, đó chính là bẫy năng suất trung bình", ông Pincus gọi đây là mối đe dọa lớn.

Chuyên gia này phân tích, nguyên nhân lọt vào “bẫy” năng suất trung bình là không nâng cấp chiến lực phát triển, chậm tận dụng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Những nước này chủ yếu theo đuổi chiến lược tăng năng suất bằng sản phẩm xuất khẩu giá trị thấp và thất bại trong việc ứng dụng phát minh để có thay đổi bài bản trong ngành công nghiệp.

Ông Jonathan Pincus dẫn số liệu chi phí cho việc nghiên cứu phát triển ở Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia, ông đánh giá điều này đáng lo ngại, vì chi phí này là một trong những thước đo quan trọng, đánh giá khả năng tăng năng suất bằng việc đổi mới công nghệ.

Điều này là do các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển.

ông .jpeg
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam

Vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ Việt Nam phải thực sự tạo những cú hích lớn trong áp dụng đổi mới sáng tạo quốc gia, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho dài hạn.

Ông cũng chỉ rõ 2 vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. “Khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư”, ông Jonathan Pincus đánh giá.

CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ ĐI ĐÔI VỚI CHUYỂN ĐỔI VIỆC LÀM

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

toàn cảnh.jpeg
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023

Theo ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm của ILO thì Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. Theo đó, chuyển đổi phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra…

Chuyên gia ILO khuyến nghị: “Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0, cùng với đó cần thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ…”.

Còn theo ý kiến của TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, nên tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động. Đặc biệt, cần tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Đóng góp thêm về vấn đề này, ông Jonathan Pincus, chuyên gia của UNDP lưu ý cần tập trung công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Bởi hiện nay chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học, nhất là trong các ngành khoa học, kĩ thuật.

Chuyên gia UNDP đưa ra giải pháp: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội đó. Cần có một cú hích lớn về khoa học và công nghệ, để nâng cấp được năng lực của mình. Việt Nam cũng có nhiều du học sinh du học ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).