Nền kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài trong nửa đầu năm 2023. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm tốc rõ nét trong 6 tháng đầu năm bởi sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, lãi suất cho vay ở mức cao, sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản đóng băng.
Trong bối cảnh đó, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứ thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng. Điển hình như, Chính phủ quyết liệt, nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; Lĩnh vực dịch vụ phục hồi tốt là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; Lạm phát hạ nhiệt và được kiểm soát ở mức phù hợp; Cán cân đối vĩ mô được giữ vững, lãi suất giảm, tỉ giá ổn định; Giải ngân đầu tư công được thúc đẩy và cải thiện rõ nét; Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội đang dần cải thiện.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,1% trong quý 2/2023, đồng thời giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ trong quý 2/2022. Về ba trụ cột của nền kinh tế, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong khi dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 6,1% và 3,2%.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 3,7% so với cùng kỳ, mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2021-2023. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tăng 6,3%, theo sau là nông – lâm – thủy sản tăng 3,1%, công nghiệp và xây dựng tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhóm nghiên cứu dự báo khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 như Quốc Hội, Chính phủ đã đề ra. Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 (kịch bản cơ sở) ở mức khoảng 5-5,5%, trong đó tăng trưởng quý 3 có thể đạt 7-7,2% và quý 4 đạt 6,8-7%.
Theo dự báo của nhóm chuyên gia SSI Research, tăng trưởng GDP cho cả năm 2023 chỉ ở mức 4,5%-5%. Các nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể sẽ phải gặp các trở ngại đến từ việc phải duy trì cân bằng giữa tăng trưởng và sự ổn định vĩ mô (và hệ thống ngân hàng nói riêng) và các điều kiện tài chính bên ngoài bị thắt chặt. Điểm tích cực có thể đến từ sự hồi phục của ngành du lịch (khi chính sách visa thuận lợi hơn) và sự phục hồi nhanh hơn từ các đối tác thương mại chính.
Đồng quan điểm, chứng khoán Yuanta điều chỉnh GDP dự báo cả năm 2023 về mức 4,9% so với mức 6% hồi cuối tháng 3 sau khi ghi nhận tăng trưởng quý 2/2023 tiếp tục ở mức thấp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng Chính phủ sẽ cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trước bối cảnh các lĩnh vực liên quan tới xuất nhập khẩu hồi phục chậm và sự hồi phục các nền kinh tế lớn vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, theo chứng khoán Mirae Asset, để đạt tăng trưởng GDP mục tiêu trong 2023 là 6−6,5% thì tăng trưởng trong nửa cuối năm phải đạt 8−8,9%. Trong bối cảnh toàn cầu vẫn suy yếu, để đạt mức tăng trưởng GDP trên là thách thức không nhỏ. Do đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc giải ngân đầu tư công, cũng như tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Ở chiều ngược lại, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng giai đoạn sóng gió của nền kinh tế đang dần qua đi, thay vào đó là những tia nắng đầu tiên của chu kỳ phục hồi. Động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 vẫn chủ yếu đến từ các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ.
Do đó, các chủ đề đầu tư chính trong nửa cuối năm 2023 gắn chặt với các chính sách hỗ trợ kinh tế, bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng mà Chính phủ Việt Nam đã thực thi kể từ đầu năm 2023.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2023 với dự báo tăng trưởng GDP đạt 7,1% so với cùng kỳ (dao động trong biên độ 0,3 điểm phần trăm) trong nửa cuối năm 2023 so với mức tăng 3,7% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay. Qua đó nâng tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 5,5% so với cùng kỳ (dao động trong biên độ 0,2 điểm phần trăm).
Nhóm chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm 2024 với tăng trưởng GDP đạt 6,9% so với cùng kỳ (dao động trong biên độ 0,3 điểm phần trăm).
Các yếu tố hỗ trợ chính đến từ Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng; Lãi suất cho vay giảm giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; Lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc, và các đơn hàng xuất khẩu nông sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có thể phục hồi từ quý 4/2023 trong bối cảnh hàng tồn kho tại các nước đã phát triển giảm.