Tăng trưởng Việt Nam nhanh gấp ba lần trung bình toàn cầu

Tại buổi lễ công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam: Kết nối vì Phát triển và Thịnh vượng chung, Giám đốc World Bank Việt Nam (WB) Ousmane Dione khẳng định, tăng trưởng Việt Nam nhanh gấp ba lần trung bình toàn cầu.

Theo Giám đốc WB Việt Nam, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng ước tính là 7% trong năm 2019, nhanh hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu.

Theo đánh giá của WB, thành tựu ấn tượng này có được là nhờ hai yếu tố chính: (a) tăng trưởng xuất khẩu và (b) tăng trưởng nhu cầu nội địa từ các hộ gia đình và doanh nghiệp, cho thấy tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, chủ yếu từ khối FDI và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là tăng cường hội nhập và kết nối thị trường nội địa để thúc đẩy sự phát triển liên tục và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng bất kỳ sự suy giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu đều có thể được bù đắp bởi nhu cầu trong nước cao hơn.

Chuỗi giá trị hiệu quả và kết nối là yếu tố thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho người nông dân và nguồn thực phẩm tốt hơn cho các hộ gia đình cũng như khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ dành cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng.

Nguồn nhân lực có kỹ năng và thích ứng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính kết nối và cạnh tranh của nền kinh tế.

Kết nối chặng cuối, đặc biệt là đến các cộng đồng dân tộc thiểu số và xa xôi như vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên có ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng cơ hội kinh tế và chuỗi giá trị bao trùm nhằm đem lại lợi ích cho mọi người dân Việt Nam chứ không chỉ tầng lớp trung lưu.

Một yếu tố không kém phần quan trọng khác đó là Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của mạng lưới và kết cấu hạ tầng giao thông trước những thách thức của biến đổi khí hậu.

Có thể bạn quan tâm