Tập đoàn PNE AG của Đức sẽ xây dựng dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD ở Bình Định

Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển khai dự án điện gió ngoài khơi với Công ty PNE AG (Đức), tổng vốn hơn 4,6 tỷ USD.

UBND tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức hội nghị xác tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại Bình Định. Tại sự kiện này, UBND tỉnh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn PNE AG (của Đức) về dự án điện gió ngoài khơi.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án này có công suất dự kiến là 2.000 MW, với tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD. Dự án này được triển khai sẽ đóng góp rất lớn cho sản lượng điện của cả nước nói chung và khu vực miền Trung nói riêng.

Trước đó, ngày 22/10/2020, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE AG được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Thời gian khảo sát, nghiên cứu là 12 tháng (kể từ ngày cho chủ trương).

Đến giữa tháng 4/2022, ông Markus Lesser - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn PNE AG đã trao hồ sơ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu cho UBND tỉnh Bình Định.

Theo đó, dự án sẽ xây dựng từ 154 - 166 tua bin gió, với tổng công suất lên đến 2.000 MW. Dự kiến các tua bin gió sẽ được đặt tại một số đảo và vùng biển thuộc huyện Phù Cát và Phù Mỹ, với tên gọi “Hòn Trâu 1,2,3” theo 3 giai đoạn triển khai của dự án.

Mỗi giai đoạn có công suất khai thác khoảng 700 MW. Hình thức xây dựng tua bin gió bằng móng trụ cố định và móng trụ nổi.

Việc hoàn thành dự án sẽ không chỉ giúp tăng sản lượng điện khai thác của tỉnh Bình Định, mà còn góp phần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển, đầu tư vào chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tập đoàn PNE AG
Tập đoàn PNE AG đề xuất dự án điện gió ngoài khơi tổng vốn 4,6 tỷ USD tại Bình Định.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết những năm qua mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bình Định và cộng đồng doanh nghiệp của Đức ngày càng mở rộng, sâu sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các doanh nghiệp Đức trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên.

Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 4 dự án của các nhà đầu tư Đức với tổng vốn đăng ký đầu tư là 55,09 triệu USD. Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất màng mỏng của Công ty TNHH KURZ Việt Nam tại Bình Định, vốn đầu tư 40 triệu USD, kỳ vọng là dự án tiêu biểu cho sản xuất công nghệ cao, góp phần thu hút các dự án khác tương tự đầu tư vào Bình Định.

Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp Đức có thế mạnh trong các lĩnh vực, như: năng lượng, công nghiệp chế tạo máy móc, cơ khí, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, tự động hóa, logistics, cảng biển…

Được biết, các nhà đầu tư của Đức tham dự hội nghị lần này đang đầu tư các lĩnh vực: điện tử, kim loại công nghệ cao, logistics, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dệt may...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi đầu tư vào Bình Định nói chung và Khu Kinh tế Nhơn Hội nói riêng, đặc biệt là Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, nhà đầu tư sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu, miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Hiện nay, mức thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường là 20%. Nhà đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu sản xuất đối với nguyên liệu, bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Khi đầu tư vào địa bàn khác của tỉnh, tùy theo ngành nghề đầu tư ưu đãi hoặc đặc biệt ưu đãi, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn một số năm tiền thuê đất, giảm thuế suất và miễn một số năm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định…

Đối với các dự án năng lượng điện tái tạo, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho hay luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu, việc thực hiện dự án sẽ tuân theo quy định của Chính phủ Việt Nam.

Tập đoàn PNE AG (trước đây là Plambeck Neue Energie AG) là Tập đoàn của Đức có trụ sở tại Cuxhaven, bang Niedersachsen, Đức được thành lập vào năm 1995.

PNE AG hiện đang thực hiện các dự án về năng lượng gió trên đất liền và trên biển. Mô hình kinh doanh của PNE AG bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, cấp vốn, vận hành và bán các trang trại điện gió.

Ngoài ra, sản phẩm của PNE AG còn bao gồm các dự án về công nghệ quang điện, lưu trữ điện và điện khí hydro.

Hiện Tập đoàn PNE AG đã đầu tư dự án tại một số quốc gia phát triển như: Hungary, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số nước đang phát triển tại Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay có 7 dự án điện mặt trời, tổng công suất 529,5 MWp (đã vận hành phát điện 415,5 MWp) và 4 dự án điện gió, tổng công suất 111MW (đã vận hành phát điện 81 MW). UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị bổ sung vào quy hoạch 18 dự án điện mặt trời (1.169MWp) và 11 dự án điện gió (6.174,5MW).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp bất động sản gian nan “về đích” lợi nhuận năm

Doanh nghiệp bất động sản gian nan “về đích” lợi nhuận năm

Doanh thu và lợi nhuận 9 tháng năm 2024 của các chủ đầu tư mà VIS Rating theo dõi đã giảm lần lượt 20% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng bàn giao giảm từ doanh số bán hàng yếu năm 2023. Do đó, các chuyên gia cho rằng hơn 60% chủ đầu tư sẽ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024..

Doanh nghiệp bất động sản "ngộp thở" vì núi hàng tồn kho

Doanh nghiệp bất động sản "ngộp thở" vì núi hàng tồn kho

Dù thị trường bất động sản đang dần bước vào quỹ đạo phục hồi, lượng hàng tồn kho vẫn không ngừng gia tăng, trở thành “gánh nặng” lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị có năng lực kinh doanh yếu kém…

Khao khát định nghĩa vật liệu xanh

Khao khát định nghĩa vật liệu xanh

Theo bà Nguyễn Hoàng Phương Nga, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trung Đô, xu hướng xanh là xu hướng tất yếu, nhưng vẫn còn thiếu các tiêu chí cụ thể để xác nhận tính “xanh” của sản phẩm…