Tập huấn tuyên truyền về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Sáng ngày 19/4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề “Tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nhân cần biết”.

Mục đích của buổi tập huấn nhằm tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân về RCEP và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện RCEP. Đặc biệt, hội nghị nhằm cung cấp thông tin cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền về RCEP và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã được nghe các nội dung: Hiệp định RCEP - những nội dung cơ bản doanh nghiệp cần biết; dự báo một số tác động của RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam; quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP; một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện RCEP...

Toàn cảnh hội nghị tập huấn

Sau tám năm kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi xướng tiến trình đàm phán RECP, ngày 15/11/2020, 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã chính thức ký kết RCEP. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa tích cực, được kỳ vọng sẽ mang nhiều ý nghĩa tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời truyền tải hàm ý về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

RECP không những là một thỏa thuận thương mại tự do đơn thuần mà còn được định hướng trở thành một thỏa thuận toàn diện. RCEP dựa trên các yếu tố chính gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, với hệ thống thỏa thuận được cụ thể hóa bằng văn kiện với 20 chương, dài 14.000 trang cùng nhiều phụ lục và tiến trình kế hoạch được cụ thể hóa.

RCEP khi thực hiện sẽ tiến hành loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

Hiệp định này được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp khi cho phép doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia thành viên nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

Có thể bạn quan tâm