Theo đó, Thaco ghi nhận 26.847 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với số thu cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu của Thaco nửa đầu năm nay, doanh thu bán xe chiếm 88%, đạt gần 23.600 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 4,3% so với cùng kỳ. Doanh thu bất động sản cũng giảm 24%, đạt 1.181 tỷ đồng, trong khi doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 34%, lên 1.515 tỷ đồng.
Doanh thu giảm khiến lợi nhuận gộp về bán hàng của Thaco cũng giảm xuống mức 4.900 tỷ đồng. Trong đó, hiệu quả kinh doanh của công ty kỳ này cũng sụt giảm khi biên lãi gộp đã giảm từ mức 19,7% 6 tháng đầu năm 2018 xuống còn 18,25% kỳ này.
Trong khi đó các loại chi phí của Thaco lại đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, chi phí tài chính tăng vọt 77%, lên 1.217 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng gần 2,5 lần, lên tới 678 tỷ đồng trong 6 tháng. Bình quân mỗi ngày, công ty phải chi ra 3,8 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi vay.
Nguyên nhân khiến chi phí này tăng cao do công ty đã gia tăng hàng nghìn tỷ đồng vay nợ nửa năm qua. Trong đó, 2 khoản nợ có phát sinh lãi suất gồm vay ngắn hạn và vay dài hạn tăng tổng cộng 6.547 tỷ, hiện đạt trên 31.400 tỷ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính của Thaco cũng cho biết, kỳ vừa qua công ty này đã đẩy mạnh việc sử dụng đòn bẩy tài chính vào hoạt động kinh doanh, bổ sung vốn lưu động ngắn hạn khi ghi nhận tới 41.515 tỷ đồng tiền thu từ đi vay.
Cùng kỳ năm trước, số tiền thu từ hoạt động này của công ty chỉ gần 20.000 tỷ đồng. Thời gian qua, Thaco cũng chi gần 35.000 tỷ đồng tiền để trả nợ gốc vay, tăng xấp xỉ 10.000 tỷ so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 32% lên 1.177 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 8% lên 989 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế Thaco đạt 1.829 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.806 tỷ, giảm 1.200 tỷ tương ứng giảm 40% so với nửa đầu năm 2018.
Đây là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất mà nhà sản xuất và lắp ráp ôtô này ghi nhận được kể từ năm 2015 đến nay. Trong những năm trước đó, lợi nhuận nửa đầu năm của công ty đều trên dưới 3.000 tỷ đồng mỗi kỳ 6 tháng.
So với kế hoạch 79.765 tỷ đồng doanh thu và 6.237 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, nửa đầu năm Thaco đã lần lượt thực hiện được 34% chỉ tiêu doanh thu và 29% chỉ tiêu lợi nhuận ròng.
Tại thời điểm 30/6/2019, tài sản ngắn hạn của Trường Hải tăng 18%, lên mức 58.700 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn tăng 39%, chiếm hơn 24.200 tỷ đồng, chủ yếu do khoản trả trước tiền mua cổ phần với 10.616 tỷ đồng.
Cụ thể, Trường Hải đã trả trước cho một cá nhân với số tiền 2.829 tỷ đồng. Trả trước cho Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) 2.500 tỷ đồng để mua cổ phần của CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh.
Đồng thời, Trường Hải cũng trả trước 3.054 tỷ đồng cho Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG) để mua cổ phần của Cao su Đông Dương và 1.283 tỷ đồng trả theo thỏa thuận hứa mua bán cổ phần vốn góp vào tháng 4/2019.
Ngoài ra, Trường Hải cũng đang cho HAGL Agrico và Nhà Hoàng Anh vay gần 1.800 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, Trường Hải đã mua hơn 2.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico.
Do tăng các khoản phải thu và tồn kho nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Trường Hải ghi âm 5.485 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 8.000 tỷ đồng.
Trong khi công ty mẹ "nợ nần chồng chất" , CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (công ty con của Thaco) đã chính thức mua lại toàn bộ mảng bất động sản từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.
Sau giao dịch này, Thaco của Chủ tịch Trần Bá Dương thông qua Đại Quang Minh sẽ sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar, cũng là dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai.