Thành lập Hội đồng thẩm định Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ làm chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Thành lập Hội đồng thẩm định Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1381/QĐ – TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các Bộ: GTVT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước.

Quyết định số 1381 nêu rõ, các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người, gửi về cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 10/8/2021.

Thủ tướng giao Bộ GTVT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Trước đó vào ngày 29/9, Bộ trưởng GTVT đã có Tờ trình 7766/BGTVT – TTr gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Dự kiến phạm vi đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là 729 km, gồm 3 đoạn là Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị); Quảng Ngãi đến Nha Trang và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đề xuất chia Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Cụ thể, 9 dự án thành phần gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Vũng Áng (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau dài khoảng 552 km sẽ được đầu tư theo phương thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến của 9 dự án nói trên vào khoảng 114.088 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia khoảng 57.044 tỷ đồng (50%); phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.

Đối với 3 dự án thành phần từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) có chiều dài khoảng 177 km, Bộ GTVT đề xuất tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành các dự án độc lập. Các dự án này sẽ sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước với chi phí khoảng 4.584 tỷ đồng để tiến hành đồng thời công tác GPMB với 9 dự án PPP.

Qua khảo sát, đơn vị tư vấn cho biết, năng lực vận tải của Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến song hành khác qua Quảng Bình, Quảng Trị có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2028. Do vậy, đối với 3 đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ (dài 177 km) có thể thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.

Đối với 9 dự án PPP thành phần của Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT đề xuất nhà nước sẽ góp khoảng 50% vốn đầu tư, mức giá dịch vụ khởi điểm là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km và sẽ tăng thêm 300 đồng/xe tiêu chuẩn/km sau mỗi 3 năm; thời gian thu phí hoàn vốn của 9 dự án sẽ dao động từ 17 đến 32 năm.

Do đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, là tuyến huyết mạch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia nên Bộ GTVT kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm