"Thấy mình tóc bạc không hay"...

Anh có giọng hát khỏe cao, chất giọng để hát opera. Thời trai trẻ có bạn đã từng xui anh đi tuyển văn công. Thời đó văn công Tổng cục chính trị là oách nhất trên đời...
"Thấy mình tóc bạc không hay"...

Chiến tranh sắp đến hồi kết, bao nhiêu trai tráng xung phong ra trận. Đang học dở lớp 9 anh cùng chúng bạn “xếp bút nghiên lên đường”…

Đất nước thống nhất, anh may mắn trở về, học nốt phổ thông rồi đạt điểm đi học nước ngoài về nông nghiệp. Xác định khi về nước sẽ suốt đời cắm cúi nghiên cứu về cây lúa ở một viện khoa học nông nghiệp nào đó. Mong giúp nông dân có mùa màng bội thu, mong nhà nhà đủ gạo ăn. Bố mẹ anh là công nhân, nhà đông anh em, lúc nào cũng thiếu ăn, đói triền miên... khiến mong ước ấy gần gũi và chính đáng. Nhưng làm ở công ty nông nghiệp, anh nhận thấy một điều, không hẳn là do thiếu thóc gạo, cái chính là sự “ngăn sông cấm chợ” khiến lúa gạo không thể lưu thông dễ dàng nơi thừa bù nơi thiếu. Cái máu kinh doanh trỗi dậy. Anh mất ngủ mấy đêm rồi quyết định bỏ nhà nước ra ngoài làm ăn.

Thời ấy ở TP. Hải Phòng quê anh, tư tưởng cải cách, đổi mới như làn gió thổi tới làm náo nức bao người. Những chuyến tàu từ TP. HCM chở đầy gạo từ vựa lúa phía Nam cập cảng Hải Phòng là những thành công đầu trong sự nghiệp kinh doanh của anh với Công ty tư nhân vào loại đầu tiên của đất Cảng. Công việc đang hồi phát đạt thì một ngày tàu chở gạo của Cty anh bị giữ lại, công an đến tận văn phòng đọc lệnh bắt tạm giam, anh choáng váng không tin. Người nhà anh đổ đi các nơi hỏi han tìm hiểu. Một ông giám đốc tư nhân nổi danh bỗng trở thành tội đồ trong nháy mắt. Có người lúc ấy quay ra chê trách – được học hành tử tế bài bản đang làm trong cơ quan nhà nước lại nhảy ra ngoài mong làm giàu cơ...

Được tha và minh oan thì công ty cũng đã tan, tiền bạc cũng hết, đối tác cũng bỏ đi... Anh nằm vật trong nhà chẳng thiết ra đến ngoài hàng tuần liền. Bố anh một công nhân chở xe tang của nghĩa trang thành phố, một tối phải đi làm mà người phụ việc bị ốm đã rủ anh đi cùng “Làm phúc cho người ta con ạ. Nhà nghèo chẳng dám làm đám tang, phải chờ xẩm tối mới đưa đi cho đỡ tủi...”. Trên đường ông cụ cẩn thận đi đường vòng, đi chậm “Để cho người nằm đó đỡ bị xóc lên xóc xuống qua đoạn đường lắm ổ gà...”. Đám tang lèo tèo thảm thương và chuyến đi nhớ đời ấy khiến anh như hồi tỉnh lại. Chỉ khi nhắm mắt xuôi tay mới buông bỏ mọi việc, còn sống là còn phải cố gắng và không bao giờ để mình rơi vào cảnh nghèo khổ... Anh tự dặn mình thế và nhận ra bài học nhân văn từ người cha – một người lao động hiền lành lương thiện!

"Chỉ khi nhắm mắt xuôi tay mới buông bỏ mọi việc, còn sống là còn phải cố gắng và không bao giờ để mình rơi vào cảnh nghèo khổ... Anh tự dặn mình thế và nhận ra bài học nhân văn từ người cha – một người lao động hiền lành lương thiện!

Anh đón xe lên Hà Nội – gặp người thân hỏi vay tiền. Cầm gói tiền của bạn anh vừa đi vừa khóc vì biết đó là số tiền vợ chồng bạn gom góp bao năm trời.

Đất nước bước vào thời kỳ mới, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, nhu cầu xây dựng tăng cao, anh cùng với bạn bè quyết định xây dựng nhà máy thép. Thành công đến sau những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, sau những tính toán bài bản và cả một chặng đường gian khó mà mỗi khó khăn, mỗi thất bại là một bài học lớn. Anh trở thành điểm sáng của kinh tế tư nhân thành phố, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, sản phẩm thép của anh đã góp mặt trong những công trình trọng điểm quốc gia và thực sự trở thành một thương hiệu sáng giá. Mỗi cuối năm tiệc gặp mặt của toàn bộ gia đình cán bộ công nhân viên tại công ty thực sự là một ngày hội lớn mà ở đó anh trực tiếp tri ân đến tận từng gia đình, bởi anh hiểu chính mỗi người lao động đã làm nên sự lớn mạnh của công ty.

Trên đà phát triển và nhìn thấy cơ hội ở phía trước, anh và các cộng sự quyết tâm đầu tư vào một dự án mới với công nghệ tiên tiến. Nhưng người tính không bằng trời tính, sắp đến giai đoạn nước rút thì khủng hoảng kinh tế nổ ra. Dự án mới gặp khó, sức ép từ các ngân hàng lớn dần, sản phẩm tồn kho, đối tác không chịu trả nợ... Cty rơi vào bế tắc, đứng trước nguy cơ phá sản. Anh chạy vạy khắp nơi, nhưng doanh nghiệp nào cũng đang loay hoay cứu mình chưa xong, ngân hàng cũng phải lo xử lý nợ xấu, tự co lại, có người lúc thấy làm ăn được thì vui vui vẻ vẻ vỗ tay hoan hô, giờ ngoảnh mặt làm ngơ như không biết...

Thói đời là thế, anh mất ăn mất ngủ rồi để tự khẳng định với mình rằng – phải tự cứu mình chứ chẳng thể trông chờ vào ai. Họp toàn bộ ban lãnh đạo, công khai khó khăn và quyết liệt bàn phương hướng giải quyết. Anh tuyên bố đem toàn bộ tài sản của mình tích lũy bao năm cho công ty vay, giữ lại đúng một căn nhà và chiếc xe “nhưng có một yêu cầu lương công nhân và phụ cấp thôi việc không được thiếu...” anh nhấn mạnh. Noi gương anh, nhiều cộng sự cũng dốc tiền nhà đem đến. Nhiều người nói anh dại. Tàu sắp đắm sao còn không lo lấy thân. Anh bảo tiền bạc rồi cũng chẳng mang đi được, tâm huyết cả đời sao nỡ vứt bỏ, rồi cả ngàn con người vẫn đi theo mình nữa. Trách nhiệm đôi khi nặng hơn tất cả tiền bạc, danh vọng cộng lại.

Kiên cường chống chọi, anh bảo đôi lúc mệt quá cũng muốn buông tay nhưng nhìn lại đội ngũ kế cận trông chờ vào mình, lại gắng gỏi mỗi ngày.

Tết vừa rồi anh gọi điện, không giấu được niềm vui “Sau mấy năm bây giờ tiệc cuối năm lại đông vui ấm áp. Một số công nhân trước đây chuyển đi nơi khác lại xin quay về...”. Chỉ nghe thế là tôi biết cơn sóng gió đã qua, anh và Công ty đã trụ vững. Mừng cho anh. Rồi anh cất giọng trầm vang nghe mà chạm thấu tim:

Một đời doanh nhân đắng cay và thăng trầm

Một đời sóng gió lái con thuyền đi tới

Bao nhiêu năm để có một ngày

Hạnh phúc nhìn cơ đồ hôm nay

Bao nhiêu năm cạn chén rượu này

Chợt thấy mình tóc bạc không hay.

(Đời doanh nhân – Trần Tiến).

Doanh nhân như anh – không bạc tóc mới là lạ!

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…