Thêm 4 doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu trong tuần thứ 2 của tháng 4/2023

Tổng dư nợ trái phiếu còn lưu hành của 4 doanh nghiệp là 4,6 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền chậm nộp lên đến gần 1 nghìn tỷ đồng và hầu hết các mã trái phiếu này đều đáo hạn trong năm 2023 và 2024…
Trái phiếu
Tổng số tiền chậm trả gốc, lãi trái phiếu của 4 doanh nghiệp lên đến gần 1 nghìn tỷ đồng

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 14/4 chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong năm 2023 đạt gần 29 nghìn tỷ đồng, với 6 đợt phát hành công chúng với giá trị 3,5 nghìn tỷ đồng và 14 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 25,5 nghìn tỷ đồng.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 4 là hơn 2,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, cũng tính đến ngày 14/4, tổng giá trị trái phiếu đến hạn còn lại trong tháng 4 là gần 8,78 nghìn tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 2,8 nghìn tỷ đồng và 2,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% và 28% giá trị đến hạn.

Cũng theo tổ chức này, trong tuần từ ngày 10/4 - 14/4 (không tính ngày thứ 7 và chủ nhật) có thêm 4 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với số tiền gần 1 nghìn tỷ đồng trong tổng dư nợ trái phiếu còn lưu hành của các doanh nghiệp là 4,6 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các mã trái phiếu của các doanh nghiệp này đều đáo hạn trong năm 2023 và 2024. 

Trong đó, 2 trên 4 doanh nghiệp đã đàm phán thành công phương án tái cơ cấu với trái chủ bao gồm kéo dài kỳ hạn trái phiếu, bổ sung các điều khoản trả nợ gốc và lãi trái phiếu theo tiến độ.

Cụ thể các doanh nghiệp này gồm Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn (Công ty Trịnh Gia Nguyễn) với lô trái phiếu TrinhGiaNguyen.Bond.2020, giá trị phát hành là 1,4 nghìn tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành thành công vào tháng 4/2020, kỳ hạn 7 năm với lãi suất 12,5%/năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm.

Theo đó, đến ngày 16/4/2023, Công ty Trịnh Gia Nguyễn sẽ phải thanh toán 576 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thể thanh toán đúng hạn do đang trong quá trình đàm phán với trái chủ.

Doanh nghiệp thứ hai là Công ty CP Mua bán nợ Thuận Minh (Công ty Thuận Minh) với lô trái phiếu có mã TMDCH2123001, tổng trị giá 495,9 tỷ đồng, thời hạn là 15 tháng.

Đến ngày 31/3/2023, Công ty Thuận Minh sẽ phải thanh toán 10,4 tỷ đồng tiền lãi và 262,9 tỷ đồng tiền gốc. Tuy nhiên, công ty đã không thể thanh toán do đang trong quá trình đàm phán cùng người sở hữu trái phiếu.

Doanh nghiệp thứ ba trong danh sách này là Công ty CP Kinh doanh Bất động sản S - Việt Nam (Công ty S – Việt Nam) với lô trái phiếu có mã SVNCH2124001, tổng giá trị phát hành 2,5 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm. Công ty S – Việt Nam chậm thanh toán lãi trái phiếu Kỳ 3 - từ ngày 7/10/2022 đến ngày 7/4/2023 với số tiền là 106,26 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cuối cùng là Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Công ty Hưng Thịnh Incons) với lô trái phiếu có mã HTNBH2122002, tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng, có kỳ hạn 12 tháng. Trong đó, tại ngày 3/1/2023 công ty này đã thanh toán được 98 tỷ đồng, bao gồm 90 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 8 tỷ đồng tiền lãi. Với 210 tỷ đồng dư nợ còn lại, hiện Công ty Hưng Thịnh Incons chưa tất toán và số tiền lãi chậm trả là 6,66 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm