Thêm nhiều doanh nghiệp chậm trả trái phiếu do kinh doanh thất bát

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong tháng 9/2023 là rất lớn. Trong khi đó, loạt doanh nghiệp tiếp tục “lỡ hẹn” thanh toán trái phiếu do kết quả kinh doanh tiếp tục sa sút…

Thêm nhiều doanh nghiệp chậm trả trái phiếu do kinh doanh thất bát
Thêm nhiều doanh nghiệp chậm trả trái phiếu do kinh doanh thất bát

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, tháng 9 là thời điểm khối lượng chậm thanh toán trái phiếu của doanh nghiệp lên đến cao trào. Thêm vào đó, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp mới công bố trong thời gian qua đã phản ánh một quý kinh doanh "buồn". Việc lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn tiền để thanh toán lãi trái phiếu đến hạn.

Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) đã thông báo chưa thanh toán lãi 2 kỳ cho trái phiếu mã HAGLBOND16.26. Trong đó, ngày 30/3, doanh nghiệp này phải thanh toán 177,9 tỷ đồng và ngày 30/6 phải trả 177,9 tỷ đồng.

Lý giải về việc đến hạn trả lãi trái phiếu nhưng chưa thanh toán, Công ty Hoàng Anh Gia Lai cho biết, nguồn tiền để thanh toán là từ khoản nợ của nhóm Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và các công ty con, hiện tại đã thoả thuận lộ trình trả nợ 3 bên và thanh lý một số tài sản không sinh lời của công ty.

Trái phiếu mã HAGLBOND16.26 được phát hành ngày 30/6/2016, kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 6.596 tỷ đồng. Hiện tại, lượng trái phiếu đang lưu hành còn lại là 5.271 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đó, công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam vừa thực hiện báo cáo Kiểm toán bán niên năm 2023 của HAGL) và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Trong đó, kiểm toán nhấn mạnh tại thời điểm 30/6/2023, HAGL đang có khoản lỗ luỹ kế 2.959 tỷ đồng, đồng thời, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 2.004 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu 3.144,86 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 385,2 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,9%, xuống còn 20%.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu năm 2023, HAGL ghi nhận lỗ 113,16 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 216,66 tỷ đồng.

Như vậy, trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, công ty có lãi chủ yếu nhờ đóng góp của doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.

Ảnh chụp Màn hình 2023-09-02 lúc 13.12.44.png

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) cũng công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho kỳ thanh toán từ 1/1 đến 30/6.

Trong báo cáo từ HNX, nửa đầu năm 2023 Novaland có 9 mã trái phiếu đến ngày thanh toán tiền gốc với tổng giá trị gần 5.200 tỷ đồng. Trong số này, công ty mới thanh toán 203,7 tỷ đồng, như vậy là còn lại 4.975 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu chưa tất toán.

Lô trái phiếu NVLH2123010 trị giá 864,3 tỷ đồng đã được trái chủ đồng ý gia hạn đến năm 2025. Các lô trái phiếu còn lại chưa được tất toán đều đang Novaland đàm phán với trái chủ để xin gia hạn.

Trong số này, ba lô trái phiếu gồm NOVALAND.BOND.2019, NVLH2123003 và NVLAH2123007 vẫn chưa được doanh nghiệp này thanh toán đồng nào. Hai lô trái phiếu NVLH2123014 và NVLH2123009 có giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này mới chỉ thanh toán lần lượt 108 tỷ đồng và 74 tỷ đồng.

Đối với tiền lãi trái phiếu, trong kỳ công ty phải trả hơn 900 tỷ đồng tiền lãi. Tuy vậy số tiền thực trả mới chỉ hơn 152 tỷ đồng. Tương ứng Novaland đang chậm trả lãi trái phiếu khoảng 760 tỷ đồng tiền lãi.

Trong số này, Novaland phải trả đến gần 600 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu NVLH2232001 nhưng mới thanh toán được 117,6 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 lô trái phiếu mà doanh nghiệp này vẫn chưa trả một đồng lãi nào trong nửa đầu năm.

Tính đến thời điểm 30/6, nợ vay tài chính của Novaland ở mức 61.600 tỷ đồng, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 43.124 tỷ đồng, dư nợ ngân hàng là 15.560 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp cũng đã chi trả 358,3 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Novaland cũng vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, sau soát xét, Novaland lỗ 1.094 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tức lỗ thêm 483 tỷ đồng so với báo cáo trước soát xét.

Ngoài ra, công ty TNHH PwC (Việt Nam) là đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính của Novaland từ năm 2015 tới nay. Trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, PwC nhấn mạnh: “Mặc dù không đưa ra kết luận loại trừ, tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần hơn 1.094 tỷ đồng trong kỳ kết toán 6 tháng đầu năm 2023 của Novaland, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

PwC cũng đưa ra giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

“Những điều kiện này, cũng những vấn đề khác được nêu ở thuyết minh 2.2 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, PwC cho biết thêm.

Tương tự, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – mã chứng khoán: AGM) mới đây cũng cho biết, đã chậm trả lãi hai mã trái phiếu cho trái chủ.

Cụ thể, trái phiếu mã AGMH2123001 phát hành ngày 9/11/2021 với kỳ hạn 24 tháng, mệnh giá 350 tỷ đồng. Đến ngày 9/2 và 9/5 là hạn thanh toán lãi với số tiền lãi lần lượt gần 6,2 tỷ đồng nhưng công ty chưa thanh toán cho trái chủ. Lý do được đưa ra là do khó khăn về tình hình tài chính nên doanh nghiệp chưa thể thanh toán đúng hạn.

Với trái phiếu mã AGMH2223001 phát hành ngày 14/3, kỳ hạn 18 tháng và mệnh giá 300 tỷ đồng (dư nợ còn lại 210 tỷ đồng), ngày 14/6 vừa qua đến hạn phải thanh toán lãi 3,6 tỷ đồng nhưng tới ngày 30/6, công ty mới trả được tiền, trễ hơn 3 tháng cũng với lý do gặp khó khăn về tài chính. Công ty này cho biết đã đàm phán thành công để gia hạn thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Xét hoạt động kinh doanh, doanh thu thuần hợp nhất của công ty này trong quý 2/2023 giảm 88% so với cùng kỳ, về còn 163 tỷ đồng còn lỗ sau thuế hơn 33 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này đẩy số lỗ ròng của AGM sau 6 tháng đầu năm lên gần 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 6 tỷ đồng.

Đồng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã chứng khoán: TDC) báo cáo tình tình thanh toán lãi và gốc trái phiếu nửa đầu năm 2023. Trong đó, đối với mã trái phiếu TDC.BOND.2020.700, công ty đã 2 lần liên tiếp không thanh toán đúng hạn.

Theo đó, ngày 15/2/2023, công ty phải thanh toán 23,82 tỷ đồng nhưng chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại 16,82 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 17/2, muộn 2 ngày so với quy định khi phát hành trái phiếu.

Tương tự, vào ngày 15/5, TDC phải thanh toán 24,24 tỷ đồng lãi cho trái chủ. Tuy nhiên, công ty chỉ thanh toán được 10,24 tỷ đồng và phần còn lại 14 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 23/5, muộn 8 ngày so với quy định khi phát hành.

Giải trình cho việc liên tục chậm trả lãi trái phiếu, TDC cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc kinh doanh bất động sản và kinh doanh bê tông.

Tổng quan tình hình tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần đạt 238 tỷ đồng, giảm sâu 70% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ đi các chi phí, TDC báo lỗ 321,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 23,58 tỷ đồng, tức giảm 345,28 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX), ngày 12/4/2023 là hạn thanh toán lãi trái phiếu kỳ thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2224001 cho 34 trái chủ nhưng công ty mới chỉ thanh toán đúng hạn cho 33/34 trái chủ.

Trước đó, Đầu tư Hải Phát cho biết ngày 24/3/2023 là kỳ tính lãi thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2123011 cho 31 trái chủ. Tuy nhiên, tới hạn thanh toán, công ty vẫn chưa thanh toán cho trái chủ.

Về kết quả kinh doanh, sau nhiều lần trì hoãn Đầu tư Hải Phát vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Đáng chú ý, công ty đã chuyển từ lãi sang lỗ 60,41 tỷ đồng, với việc ghi nhận lỗ trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Đầu tư Hải Phát chỉ còn 154,3 tỷ đồng.

Được biết, mặc dù hết thời gian công bố Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023 nhưng Đầu tư Hải Phát đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Theo thông tin từ HNX, hiện Signo Land còn một lô trái phiếu đang lưu hành mã SNLCH2123001 với tổng giá trị 1.366,6 tỷ đồng. Ngày phát hành là 31/12/2021, kỳ hạn 18 tháng tương ứng với ngày đáo hạn là 30/6 năm nay. Mức lãi suất được công bố là 12,5%/năm. Mặc dù đã qua ngày đáo hạn nhưng doanh nghiệp này mới mua lại 305 tỷ đồng.

Mới đây, doanh nghiệp này đã điều chỉnh kỳ hạn của 1.000 tỷ đồng trái phiếu nói trên từ 18 tháng thành 33 tháng, tức tăng thời hạn trái phiếu thêm 15 tháng. Trước đó, công ty có báo cáo về việc chậm thanh toán gần 1.0601 tỷ đồng tiền gốc và 42,3 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu gửi HNX với lý do doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán cùng với người sở hữu trái phiếu.

Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2023, Signo Land ghi nhận lỗ sau thuế 84 tỷ đồng, cùng kỳ cũng lỗ 163 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã âm hơn 222,5 tỷ đồng. Số nợ phải trả của Signo Land là 1.107 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là 1.060 tỷ đồng. Như vậy tổng tài sản của doanh nghiệp này giảm còn 837,5 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong tháng 9/2023 vẫn lớn, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn tiếp tục tăng lên.

Nguồn: VNDirect

Nguồn: VNDirect

trái phiếu 2.png
Nguồn: VNDirect

Các chuyên gia của VNDirect ước tính, trong tháng 9/2023 sẽ có khoảng hơn 25,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn. Tháng 9/2023 vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm 2023 mặc dù tổng giá trị đáo hạn trong tháng 9/2023 giảm khoảng 7,3% so với tháng 8/2023.

Tính đến ngày 24/8/2023 có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 173,68 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Xem thêm

Cổ phiếu IBC của công ty Shark Thủy đã mất 86.94% giá trị trong vòng một năm giao dịch.

Cổ phiếu IBC của công ty Shark Thủy bị đình chỉ giao dịch

HOSE cho biết, Apax Holdings nhiều lần vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, nên cổ phiếu IBC đã rơi vào trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định…

Có thể bạn quan tâm

Marina Central Tower thu hút khách thuê nhờ vị trí trung tâm

Marina Central Tower thu hút khách thuê nhờ vị trí trung tâm

Trong bối cảnh ngành bán lẻ cao cấp phát triển mạnh mẽ, xu hướng “xanh hóa” ngày càng phổ biến, Marina Central Tower - tòa văn phòng, trung tâm thương mại mới tại TP.HCM đang trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều khách thuê nhờ lợi thế đặc biệt…

Các đại biểu tại phiên tọa đàm: Dòng tiền chảy vào phân khúc nhà ở thương mại phía Nam - Nhận diện cơ hội đầu tư

Bất động sản phía Nam “khát” căn hộ vừa túi tiền

Với nền tảng pháp lý từ các luật mới có liên quan, giới phân tích đánh giá, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phục hồi và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, sự dịch chuyển về nhu cầu và xu hướng đầu tư đang thể hiện rõ rệt hơn ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Căn hộ Sun Group chỉ từ 24-25 triệu/m2 dành cho ai?

Căn hộ Sun Group chỉ từ 24-25 triệu/m2 dành cho ai?

Sun Urban City Hà Nam không chỉ đơn thuần là một dự án bất động sản, đó là một kiệt tác kiến trúc, một thành phố thu nhỏ, nơi bạn có thể trải nghiệm trọn vẹn những giá trị sống bền vững...

HoREA đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội

HoREA đề xuất giảm mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đề xuất lãi suất cho vay ưu đãi của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nên từ 3,6% hoặc 5,76%/năm và người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3% hoặc 4,8%/năm...