Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã công bố giảm mạnh lãi suất cho vay hoặc tung ra các gói cho vay ưu đãi với mức lãi suất thấp.
Mới đây nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank), ngân hàng này đã triển khai giảm 2,6 điểm phần trăm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân hiện hữu.
Theo Nam A Bank, hoạt động này nhằm đồng hành khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ khách hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm cũng như thực hiện kịp thời các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Nam A Bank cho biết, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp và người dân tăng tốc cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng. Dự kiến, ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất và triển khai các chương trình ưu đãi trong thời gian tới.
Cách đây không lâu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi với quy mô lên đến 5.000 tỷ đồng và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cùng đáp ứng các nhu cầu phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe... Trong đó, với các khoản vay mua nhà, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm. Lãi suất vay mua ô tô từ 9,5%/năm.
Trước đó, OCB cũng đã tung 2 gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng với mức giảm 1,8% bình quân kỳ hạn 12 tháng.
Một ngân hàng khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa tung ra hàng loạt gói cho vay lãi suất thấp. Cụ thể, ngân hàng này đã ra mắt ba gói vay ưu đãi có tổng quy mô 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà, vay tiêu dùng với lãi suất từ 5%/năm, tỷ lệ cho vay tối đa 85%, thời gian vay tối đa đến 35 năm.
Trong đó, gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh của VPBank được thiết kế với lãi suất 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Gói ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng vay mua nhà của VPBank có lãi suất từ 5,9%/năm. Riêng với gói vay mua xe ô tô, VPBank hiện áp dụng lãi suất 7%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng tung chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.
Về phía Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại ngân hàng khác với lãi suất năm đầu là 8%/năm.
Trong “cuộc đua” giảm lãi suất cho vay không thể thiếu bóng dáng của các “ông lớn” quốc doanh như BIDV, VietinBank, Vietcombank với loạt chương trình cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ ở ngân hàng khác với lãi suất thấp bất ngờ.
Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng công bố sớm nhất chính sách này với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, nếu cố định trong 24 tháng đầu lãi suất là 8%/năm.
Kế tiếp là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất 6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 6,8%/năm với các khoản vay trung và dài hạn thực hiện theo Thông tư 06.
Một ngân hàng "Big 4" khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn cả huy động chỉ từ 5,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…).
Động thái giảm lãi suất cho vay cũng như các chương trình hút khách vay của ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 8 tháng đầu năm vẫn còn thấp.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, mới chỉ tăng 5,33% so với cuối năm 2022; trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%, và còn cách xa so với mục tiêu 14% cả năm.
Lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đã giảm mạnh thời gian qua do tình trạng dư thừa thanh khoản. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Cụ thể, hiện không còn ngân hàng thương mại nào niêm yết lãi suất trên 8%/năm và phần lớn các ngân hàng niêm yết dưới 7%/năm.
Thậm chí nhóm Big 4 và các ngân hàng tư nhân lớn đã điều chỉnh xuống 5,5%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Giới chuyên gia nhận định, việc lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện giúp cho lãi suất đi vay hạ dần, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành của công ty Chứng khoán VNDirect, trong tháng 8/2023, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại giảm 0,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 7 về mức 5,9%/năm (giảm gần 2 điểm phần trăm so với đầu năm 2023). Đà giảm của lãi suất huy động được thúc đẩy bởi tình trạng dư thừa thanh khoản hệ thống trong bối cảnh cầu tín dụng yếu cũng như Chính phủ mở rộng chính sách tài khóa.
Theo đó, các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023 và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những tháng tới và tin rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân”, báo cáo nêu rõ.